Xu hướng bất động sản 2022: Nhà ở khó giảm giá, đô thị vệ tinh lên ngôi

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản năm 2022 vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Việt Nam vẫn là điểm nóng về bất động sản

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, câu chuyện bất động sản nhà ở với dân số 100 triệu là một cơ hội rất tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6-7%, là cơ hội cho họ nhìn thấy được nhu cầu nhà ở đối với thị trường bất động sản Việt Nam. 

Như vậy, mặc dù gặp khó khăn về vấn đề pháp lý, về quỹ đất nhưng đây vẫn là cơ hội cho các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới nhìn nhận Việt Nam như một điểm nóng về thị trường bất động sản. 

Sóng bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục 

Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư chứng khoán được, và vì thế lúc đó bất động sản là cơ hội. 

Bất động sản là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ. Đón sóng không dễ, và không phải ai đầu tư cũng thành công. Tôi nghĩ rằng trong năm 2022 - 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 - 2023.

Xu huong bat dong san 2022: Nha o kho giam gia, do thi ve tinh len ngoi

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.

Bất động sản nhà ở khó giảm giá

Thị trường bất động sản nhà ở khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp.

Đối với người dân, với khoảng tầm 1 - 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh cũng là một câu chuyện lớn. Như vậy, nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá.

Bất động sản khu công nghiệp cần tạo ra giá trị xã hội

Lâu nay, chúng ta kỳ vọng nhiều vào bất động sản khu công nghiệp nhưng xu hướng sẽ không chỉ là xin đất, xây dựng mô hình, cho thuê bán. Xu hướng của bất động sản KCN sẽ là quan tâm đến khả năng tạo giá trị gia tăng xã hội, việc làm cho người dân, đội ngũ lao động học được gì về kỹ thuật sau khi hết chu kỳ dự án.

Bất động sản thương mại bị tác động vì chuyển đổi số

Bất động sản trong phân khúc thương mại, du lịch đã và sẽ tiếp tục chịu những tác động vì chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ là câu chuyện rất quan trọng với doanh nghiệp nói chung và ngành bất động sản nói riêng.

Những hình thức làm việc tại nhà, giao dịch từ xa, mua bán trực tuyến… triển khai từ cách đây 3 năm sẽ thúc đẩy các mô hình mới, giúp nền kinh tế tăng trưởng bằng nội lực.

Đô thị vệ tinh lên ngôi

Trong đầu tư khu đô thị hiện nay đã có nhiều thay đổi, không còn là xin vài hecta đất, xây và bán mà sẽ hình thành những khu đô thị mới, theo quy hoạch và chiến lược mới. Vị trí của các khu đô thị này sẽ không còn nằm trong những vùng trung tâm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang do quỹ đất đã khan hiếm mà sẽ dịch chuyển về các thành phố vệ tinh, làm thành các đại đô thị, theo concept mới.

Tuy nhiên, mức độ phát triển của khu đô thị mới sẽ tùy thuộc vào đầu tư cơ sở hạ tầng, mà cụ thể là đầu tư mở rộng các tuyến đường vành đai, kết nối các vùng với nhau, như TPHCM - Vũng Tàu, TPHCM - Bảo Lộc, TPHCM - miền Tây… Việt Nam cần giải ngân sớm cho các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng này.

Liên quan đến quy hoạch, quy hoạch giao thông được xem là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế, để tạo liên kết vùng, tăng khả năng logistics, giúp đô thị hưởng lợi và đạt khả năng phục vụ. Việt Nam cần đặt câu chuyện quy hoạch giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng lên hàng đầu.

Bất động sản nghỉ dưỡng khả quan hơn

Từ năm sau, những chuyến bay quốc tế dự kiến nối lại, giúp ngành du lịch bớt vất vả và bất động sản du lịch khả quan hơn. Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam mới dừng ở mức tận dụng các cơ hội khai thác từ thiên nhiên ban tặng như bờ biển dài 3,000km, chứ chưa phát triển sản phẩm du lịch đa dạng để thực sự là điểm thu hút du khác như các nước khác.

Việt Nam muốn thúc đẩy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thì cần thay đổi tư duy, có cách làm khác, gia tăng “phần mềm”, phần giá trị gia tăng trong các ngành nghề du lịch.

Thận trọng khi lướt sóng bất động sản

Nếu nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cần cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước nữa. Do vậy nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng.

Nếu thời gian chờ đợi quá lâu thì việc lướt sóng sẽ bị hạn chế, tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó. Đây là câu chuyện mà các nhà đầu tư lướt sóng và ngắn hạn cũng cần cân nhắc.

Theo Ngọc Thuỷ/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN