Trách nhiệm của TGĐ Quốc Cường Gia Lai trong vụ án liên quan ông Tất Thành Cang thế nào?

Theo Viện KSND TP HCM, trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai đang được tách để tiếp tục điều tra, xử lý.
Ngày 28/7, VKSND TP.HCM ban hành cáo trạng truy tố ra tòa án để xét xử đối với ông Tất Thành Cang, Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận) cùng 8 đồng phạm về tội vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS. Đây là vụ án thứ hai ông Cang phải hầu toà sau sai phạm tại SADECO.
Trach nhiem cua TGD Quoc Cuong Gia Lai trong vu an lien quan ong Tat Thanh Cang the nao?
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Cáo trạng nêu đây là vụ án vi phạm về quản lý tài sản nhà nước trong việc chuyển nhượng đất dự án dưới hình thức hợp tác đầu tư của Công ty Tân Thuận gây thất thoát của Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, hơn 725 tỉ đồng.
Bị can Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy) và một số bị can khác là những người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy TP HCM, của Công ty TNHH xây dựng Tân Thuận. Trong đó, bị can Cang tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội đang là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Các bị can đều là những người có trình độ chuyên môn, có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm, được giao trực tiếp quản lý tài sản nhà nước, thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của Cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản nhà nước đối với các dự án Phước Kiển, dự án KDC Ven Sông của Công ty Tân Thuận.
"Tuy nhiên, vì những động cơ, mục đích khác nhau, ông Cang, Thiện và các đồng phạm đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về Kinh doanh Bất động sản; pháp luật về Đất đai và Luật Doanh nghiệp; thực hiện các thủ tục chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển và dự án Khu dân cư Ven Sông là tài sản nhà nước do Công ty Tân Thuận quản lý sang Công ty Quốc Cường Gia Lai không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật", cáo trạng kết luận.
Đáng chú ý, liên quan đến việc UBND TP HCM ban hành Quyết định số 6171 ngày 23/11/2017 chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai và trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc ban hành Quyết định này, trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Cơ quan An ninh điều tra có Quyết định tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra, xử lý trách nhiệm sau (Quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan trong vụ án hình sự ngày 14/6 của Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP HCM).
Cụ thể, kết luận giám định của Bộ Xây dựng xác định: Việc UBND TP.HCM ban hành Quyết định trên là phù hợp quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, do việc chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Ngày 19/4, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục trưng cầu giám định Bộ Tài nguyên - Môi trường giám định việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven sông và KDC Phước Kiển, đến nay chưa có kết quả.
Do cần có thời gian để tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan nên Cơ quan An ninh điều tra đã ban hành Quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan trong vụ án hình sự như đã nêu trên.
Từ việc bóc tách vụ án trên, dư luận bày tỏ ý kiến băn khoăn, thắc mắc tại sao phải tách riêng phần trách nhiệm của bà Loan? Việc làm này liệu có ảnh hưởng tới kết quả vụ án không?...Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời khi vụ án của vị Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai chưa được đưa ra xét xử sau gần 2 tháng bóc tách.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, việc làm này là cần thiết và đúng quy định. Thậm chí là đảm bảo được sự khách quan, toàn diện của vụ án.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Mạnh Xuân Sơn, Giám đốc Công ty luật Á Châu khẳng định, trong trường hợp này Cơ quan điều tra xét thấy trong một vụ án xuất hiện nhiều tình tiết, sự việc hay quan hệ pháp luật khác nhau cần phải tách ra để giải quyết thành những vụ án khác nhau nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật và không ảnh hưởng tới kết quả giải quyết các quan hệ pháp luật đó.
Luật sư Sơn lý giải, việc tách hành vi của bà Nguyễn Như Loan để điều tra sau là vì trong vụ án này có nhiều tội phạm được thực hiện, tội phạm xảy ra trong khoảng thời gian dài và cần phải chờ kết quả giám định của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nếu để trong cùng một vụ án mà điều tra, xử lý sẽ mất thời gian và không đảm bảo yêu cầu về thời hạn điều tra vụ án và việc tách vụ án này ra các vụ án khác nhau để điều tra là hợp lý.
"Việc tách hành vi của bà Phạm Thị Như Loan để tiến hành điều tra không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án", luật sư Mạnh Xuân Sơn nhận định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Bình: Bắt Giám đốc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản:

(Nguồn: THĐT)

Thiên Tuấn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN