Đặt cọc tới 90% để mua đất phân lô sẽ gặp các rủi ro nào?

Do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị nền nhà, gây ra rủi ro và thiệt hại cho khách hàng.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo thông tư về phát triển, quản lý nhà ở.

Trong văn bản, HoREA nhận định trong các năm qua, hoạt động huy động vốn tại một số dự án phân lô bán nền hình thành trong tương lai thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, thậm chí có trường hợp bên huy động vốn chỉ lập phiếu thu đặt cọc giữ chỗ, hoặc biên bản đặt cọc có xác nhận của thừa phát lại,... có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng. Điều này đang là vấn nạn cần được bổ sung các quy định để kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Trong khi đó, Bộ Luật Dân sự không quy định giới hạn của giá trị đặt cọc do hai bên thỏa thuận, cũng không quy định việc đặt cọc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan, như việc đặt cọc mua bán bất động sản (nhà, nền nhà,…) hình thành trong tương lai phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. 

Bên cạnh đó, chế định thừa phát lại chưa được luật hoá, mới chỉ thực hiện thí điểm, nhưng đã bộc lộ một số sơ hở, bất cập, thể hiện trong việc lập vi bằng thừa phát lại đối với hành vi giao nhận tiền đặt cọc trong giao dịch phân lô bán nền, gây nhầm lẫn cho khách hàng,

Ngoài ra, HoREA cho rằng do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị nền nhà, gây ra rủi ro và thiệt hại cho khách hàng và dẫn đến phát sinh lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng trên thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Từ những cơ sở trên, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn về huy động vốn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản dưới hình thức phân lô bán nền khi xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Nghị định 76/2015/NĐ-CP. Đồng thời, xem xét sửa đổi đồng bộ các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và chế định về thừa phát lại.

Dat coc toi 90% de mua dat phan lo se gap cac rui ro nao?
 Ảnh minh họa.

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM vừa có văn bản số về việc báo cáo về tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn TP.

Trong đó, Sở Xây dựng chỉ ra nhiều mặt còn hạn chế của thị trường bất động sản TP. Cụ thể, trường hợp một căn hộ bán cho nhiều người là xuất phát từ sự bất cập của các quy định cũ Luật Nhà ở 2005, Nghị định 90/2006 của Chính phủ tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, miễn phí xây dựng khi được phê duyệt dự án, nghiệm thu hoàn thành công trình, huy động vốn… không qua kiểm soát của cơ quan Nhà nước. 

Dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán…; Các đơn vị môi trường bất động sản, phát triển dự án, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh… đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng, mà trước đó doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản theo quy định…

Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác tuyên truyền, công khai thông tin pháp lý các dự án nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật như: một căn hộ bán cho nhiều người; huy động vốn của khách hàng qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ…

Sở Xây dựng kiến nghị Công an TP HCM theo dõi sát sự phát triển của thị trường bất động sản; điều tra, xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật về các dự án bất động sản, các hạ tầng kỹ thuật đô thị, các chủ đầu tư hoạt động vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản. 

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN