Novaland lên tiếng về việc cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL) vừa có văn bản giải trình về việc chậm nộp BCTC dẫn đến cổ phiếu NVL rơi vào diện cảnh báo.
 
Đại diện Novaland cho biết dưới áp lực lớn của bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, cùng với việc công ty đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, các thủ tục kiểm toán và thu thập, đánh giá thông tin liên quan để hoàn thành báo cáo tài chính soát xét năm 2022 của NVL đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với thực tế.
Nhận thức được điều này, công ty đã phối hợp cùng đơn vị kiểm toán Công ty TNHH PwC Việt Nam nhằm hoàn tất và công bố báo cáo tài chính đúng thời hạn là ngày 15/4/2023.
Tuy nhiên ngày 15/4 rơi vào thứ 7 nên các công việc cuối cùng nhằm hoàn tất báo cáo gặp trục trặc, khiến Novaland phải dời sang ngày 17/4 để hoàn tất.
Novaland len tieng ve viec co phieu roi vao dien canh bao
 NVL giải trình cổ phiếu bị đưa vào diện khắc phục.
Công ty đã nỗ lực hỗ trợ hoàn tất công tác phát hành báo cáo kiểm toán và đã thực hiện ngay trong đêm 17 và rạng sáng ngày 18/4.
Tập đoàn Novaland cam kết sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định và quy chế liên quan đến việc công bố thông tin nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà đầu tư và tính minh bạch của công ty”, đại diện của Novaland nói trong thông cáo.
Novaland cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc trường hợp của Novaland và tạo điều kiện cho cổ phiếu NVL được gỡ trạng thái cảnh báo trong thời gian tới.
Báo cáo kiểm toán NVL ghi nhận doanh thu thuần vẫn xấp xỉ báo cáo tự lập với 11.134 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn có điều chỉnh tăng 1,4% khi chiếm 6.883 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp cũng giảm 2,2% về còn 4.251 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi phí bán hàng và quản lý có sự biến động mạnh, trong đó chi phí bán hàng tăng gần 3% lên 960 tỷ thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 2,3% về mức 1.536 tỷ đồng sau kiểm toán. Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng giảm 2,2% về mức 1.367 tỷ đồng.
Với loạt điều chỉnh đó khiến lãi ròng của Novaland cũng thay đổi theo sau kiểm toán, tức giảm 4,5% (102 tỷ) về mức 2.162 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 33% so năm 2021.
Đáng chú ý, trong phần ý kiến kiểm toán, PWC không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng nhấn mạnh ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland, và Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
Giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng công ty có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN