Nguồn vốn Năm Bảy Bảy thế nào khi cùng CII làm khu nghỉ dưỡng cao cấp?

Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) đang hợp tác với CII để triển khai 2 dự án tại TP HCM và Bình Thuận.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) vừa thông qua việc chuyển nhượng 30% quyền tham gia đầu tư và chia lợi nhuận hợp tác đầu tư phát triển khu đất tại phường 16, quận 8, TP HCM. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã: CII).
Theo Năm Bảy Bảy, việc chuyển nhượng quyền tham gia đầu tư khu đất nói trên nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên tục bổ sung vốn
Ngoài dự án trên, HĐQT Năm Bảy Bảy cũng thông qua việc chấp thuận cho CII được tham gia và hợp tác dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi từ Công ty CP Đầu tư Pearl City (dự án do Công ty Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư).
Mới nhất, ngày 11/12/2023, để tối đa hóa hiệu quả, đồng thời giảm thiểu chi phí sử dụng vốn trong quá trình đầu tư và phát triển dự án De Lagi tại xã Tân Phước, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, HĐQT Năm Bảy Bảy đã thông qua việc nhận hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM. Giá trị hợp tác tối đa 500 tỷ đồng, thời hạn hợp tác tối đa là 7 năm.
Tìm hiểu được biết, tại phường 16, quận 8, TPHCM, hiện Năm Bảy Bảy đang sở hữu 2 dự án. Trong đó, dự án Diamond Riverside có quy mô 4,15ha, tổng vốn đầu tư 2.388 tỷ đồng và đã hoàn thành xây dựng và chuyển giao cho khách hàng. Còn lại, dự án NBB Garden III với quy mô 7,75ha, tổng vốn đầu tư 2.706 tỷ đồng, dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư và dự kiến triển khai từ năm 2017 - 2025.
Riêng đối với dự án De Lagi tại tỉnh Bình Thuận có quy mô 124,53ha, với tổng vốn đầu tư là 2.726 tỷ đồng; hiện dự án đang thực hiện đền bù và xây dựng hạ tầng, dự kiến triển khai từ năm 2017 - 2024. Năm Bảy Bảy sẽ đầu tư dự án với một khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, bao gồm các khu chức năng như khu giải trí, nhà hàng, khách sạn, sân golf, biệt thự cao cấp và khu dân cư để đáp ứng như cầu tái định cư, một phần nhu cầu lưu trú của cán bộ công nhân viên khu du lịch với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Trong một diễn biến khác, trước đó, ngày 3/11/2023, HĐQT Năm Bảy Bảy đã thông qua chủ trương ký kết hợp đồng vay vốn với CII. Theo đó, giá trị vay vốn tại mọi thời điểm không vượt quá 940 tỷ đồng (vay trung hạn), với mục đích vay vốn để hoàn vốn đầu tư dự án Khu dân cư NBB Garden III; dự án Khu căn hộ cao tầng NBB II; dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi và sử dụng vốn vay vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Năm Bảy Bảy.
Nguon von Nam Bay Bay the nao khi cung CII lam khu nghi duong cao cap?
"Bắt tay" CII làm khu nghỉ dưỡng cao cấp, nguồn vốn Năm Bảy Bảy thế nào? (ảnh: Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi; nguồn: Internet).
Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM đang sở hữu 37,52% vốn tại Công ty Năm Bảy Bảy và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết. Trong đó, từ ngày 12/10 - 10/11/2023, nhóm Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII (Công ty E&C - công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM) đã mua thêm 3,85 triệu cổ phiếu NBB, nâng sở hữu của nhóm từ 45,43%, lên 49,27% vốn điều lệ tại Công ty Năm Bảy Bảy. Tại ngày 30/9/2023, số tiền góp vốn của Công ty E&C tại Công ty Năm Bảy Bảy là 337,3 tỷ đồng.
Năm Bảy Bảy sở hữu dự án nào?
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giới thiệu, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy được thành lập ngày 4/7/2005, có địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà CII TOWER, 152 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Bá Lân. Cổ phiếu NBB của Năm Bảy Bảy được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào ngày 20/11/2008. Công ty hiện có vốn điều lệ là 1.004 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo giới thiệu tại website: nbb.com.vn, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy có tiền thân là chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) tại Bình Thuận. Hiện, Năm Bảy Bảy đã mở rộng quy mô gồm: Chi nhánh Tây Nam, chi nhánh Bình Thuận, chi nhánh Quảng Ngãi, chi nhánh miền Bắc và các công ty con gồm: Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại – Dịch vụ - Sản xuất Hùng Thanh, Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hương Trà.
Tại TPHCM, Năm Bảy Bảy là một chủ đầu tư sở hữu nhiều dự án lớn như: Khu căn hộ cao tầng NBB Garden II (quy mô 8,339ha); Khu căn hộ cao tầng City Gate Towers (quy mô 1,93ha); Khu căn hộ cao tầng NBB Garden III (quy mô 7,725ha).
Trong đó, đáng chú ý là dự án Carina Plaza có diện tích 19.318,40m2 là một trong những dự án thuộc cụm các dự án của Năm Bảy Bảy tại phường 16, quận 8, TPHCM. Dự án do Công ty TNHH Hùng Thanh (thành viên của Năm Bảy Bảy) làm chủ đầu tư với số vốn 981 tỷ đồng, được triển khai thi công vào năm 2008. Năm 2018, dự án này từng dính lùm xùm khi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy nghiêm trọng khiến 13 người tử nạn.
Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Ngãi, Năm Bảy Bảy là chủ đầu tư Khu dân cư Sơn Tịnh (tổng diện tích đất 1.026.963,00m2, tổng mức đầu tư tạm tính là 1.120 tỷ đồng; Khu biệt thự golf cao cấp đảo Hồng Ngọc, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (tổng diện tích 233,4ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng). Tại tỉnh Quảng Ninh, Năm Bảy Bảy triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Đồn Điền (771.500m2, tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng); Khu biệt thự Đồi Thủy Sản tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (321.800m2, tổng mức đầu tư là 455 tỷ đồng)…
Nợ vay tăng mạnh, gần 46% tài sản là tồn kho
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Năm Bảy Bảy cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16,9 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, việc kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp của Năm Bảy Bảy ghi nhận âm 453 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 68,5 tỷ đồng.
Cùng đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 65,8%, tương ứng tăng thêm 25,73 tỷ đồng, lên 64,83 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 37,7%, tương ứng giảm 32,5 tỷ đồng, về 53,61 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác giảm lần lượt 1 tỷ đồng và 8,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Kết quả, Năm Bảy Bảy báo lãi sau thuế giảm mạnh khi ghi nhận chỉ đạt 158 triệu đồng, tương ứng giảm 48% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt gần 303 triệu đồng).
Theo giải trình của Năm Bảy Bảy cho biết, công ty hoạt động chính là hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay các dự án đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và bổ sung các thủ tục pháp lý. Cùng với sự khó khăn chung của ngành bất động sản nên hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng đáng kể dẫn đến doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Đồng thời, việc hoàn trả mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại Carina của một số đơn vị trong giai đoạn đầu năm 2023 cũng dẫn đến sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của Năm Bảy Bảy.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 211 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 608 triệu đồng, lần lượt giảm 27,4% và giảm 70,9% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, Năm Bảy Bảy đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20,5 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Năm Bảy Bảy mới hoàn thành 3% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Lợi nhuận giảm mạnh, song dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này của Năm Bảy Bảy dương gần 137 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 863 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 7,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 472 tỷ đồng, lên mức 6.859 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 2.030 tỷ đồng, tăng 27,9% so với đầu năm; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.615 tỷ đồng, tăng 0,5% so với đầu năm; hàng tồn kho ghi nhận 1.586 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 999 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm.
Riêng đối với khoản phải thu dài hạn 2.030 tỷ đồng, thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Năm Bảy Bảy cho thấy, chủ yếu chủ yếu gồm 2.007 tỷ đồng phải thu vốn góp hợp tác đầu tư là khoản hợp tác với Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM. Trong đó, 1.150 tỷ đồng đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận từ Cao ốc 152 Điện Biên Phủ (TPHCM); và 857,49 tỷ đồng hợp tác đầu tư dự án Xa Lộ Hà Nội.
Đối với hàng tồn kho, chiếm hơn 45,5% tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tại ngày 30/9/2023 là chi phí tại các dự án bất động sản dở dang. Trong đó, chi phí đầu tư và phát triển các dự án là gần 1.509 tỷ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm, lớn nhất là tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi (Bình Thuận) với giá trị gần 810 tỷ đồng và dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (628 tỷ đồng).
Mặt khác, Năm Bảy Bảy cũng ghi nhận hơn 1.615 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án đầu tư bất động sản khác, tăng 0,5% so với đầu năm, như dự án NBB Garden III (831 tỷ đồng), NBB II (gần 783 tỷ đồng),...
Về phía nguồn vốn, tính tới cuối quý III/2023, tổng nợ vay tài chính của Năm Bảy Bảy đạt 3.546 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 416,3 tỷ đồng.
Trong đó, khoản vay lớn nhất trong kỳ là từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với giá trị khoản vay gần 900 tỷ đồng, lãi suất 11,5% trong dài hạn nhằm thực hiện dự án Cao ốc 152 Điện Biên Phủ. Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền khai thác, quản lý lợi ích từ dự án De Lagi, Bình Thuận; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng dự án Cao ốc văn phòng tại 152 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh giữa Năm Bảy Bảy và CII.
Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN