Vì sao Phó Chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân bị bắt?

Hành vi phạm tội của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân dẫn đến bị khởi tố, bắt giam tội nhận hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Bị bắt do nhận hối lộ
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Văn TânPhó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự liên quan việc mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Trước đó, tháng 10/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự liên quan đến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân nước ngoài về cách ly có thu phí trên địa bàn tỉnh trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua. UBND tỉnh Quảng Nam sau đó có công văn giao Sở Y tế, Sở VH-TT&DL, Sở Ngoại vụ cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Vi sao Pho Chu tich Quang Nam  Tran Van Tan bi bat?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân 
Trả lời báo chí vào tháng 10/2022, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra nếu khách sạn nào đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quy định mới thống nhất cho phép tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về để cách ly. Qua kiểm tra có 36 cơ sở lưu trú nhưng chỉ có 31 đơn vị đủ điều kiện được duyệt cấp phép. Tuy nhiên, sau đó trong 31 đơn vị này có 3 đơn vị xin thôi vì các điều kiện, yêu cầu quá nghiêm ngặt.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam, do nằm sát với Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, do đó tỉnh Quảng Nam được Chính phủ giao đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly công dân từ nước ngoài về tránh dịch COVID-19. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 12/2021, Quảng Nam đón khoảng 40.000 công dân về nước, trong đó có khoảng 30.000 công dân từ nước ngoài về cách ly tại các khách sạn, resort có thu phí. Quảng Nam là địa phương đón công dân nước ngoài bị mắc kẹt về cách ly nhiều nhất nước.
Cần làm rõ hành vi phạm tội của Phó Chủ tịch Quảng Nam
Liên quan ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị khởi tố, bắt giam về hành vi nhận hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tội danh ông Trần Văn Tân bị khởi tố là tội nhận hối lộ với mức hình phạt rất nghiêm khắc. Mức hình phạt cao nhất mà bộ luật hình sự quy định về tội nhận hối lộ là tù chung thân hoặc tử hình.
Vụ án chuyến bay giải cứu là một trong những vụ án phức tạp, có nhiều cán bộ có chức vụ quyền hạn bị khởi tố về nhiều tội danh khác nhau. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 38 bị can về 5 tội danh khác nhau trong đó có các tội danh như tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...Vụ án hiện vẫn tiếp tục được mở rộng điều tra, chưa có dấu hiệu dừng lại và mới đây, ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị khởi tố về tội Nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự.
Bối cảnh năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 phức tạp trên toàn thế giới, thời điểm đó Việt Nam phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả, an toàn bằng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nên nhiều công dân Việt Nam có nhu cầu về nước để tránh dịch. Thực tế có doanh nhân đã chi phí số tiền rất lớn để thuê một chuyến bay từ nước ngoài để chở con gái về nước. Nguyện vọng chính đáng của đồng bào Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài là được về "đất mẹ" tránh dịch.
Với chính sách bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao là cơ quan có trách nhiệm chính, trực tiếp để phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác thực hiện kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch trong thời điểm đó là chủ trương chính sách đúng của đảng và nhà nước. Để tổ chức đưa công dân ở nước ngoài về nước phòng chống dịch bệnh đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành đoàn thể và nhiều doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động dịch vụ hàng không.
Vi sao Pho Chu tich Quang Nam  Tran Van Tan bi bat?-Hinh-2
Công dân từ nước ngoài về cách ly tại các khách sạn có thu phí tại Quảng Nam. 
Thời điểm đó, nhu cầu công dân Việt Nam về nước rất lớn, trong khi đó khả năng tiếp nhận có giới hạn do điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, phòng dịch còn nhiều khó khăn, quá tải. Do đó, nhiều người muốn về nước mà số người được tiếp nhận hạn chế nên đã phát sinh nhiều nguy cơ tiêu cực như: Nhiều công dân sẵn sàng chi số tiền lớn để được ưu tiên về nước; nhiều người đã vận dụng các mối quan hệ và thậm chí cả chi tiền để được về nước sớm nhất, được đảm bảo điều kiện phòng dịch tốt nhất; nhiều người muốn được chi tiền để có điều kiện ăn ở, cách ly tốt nhất...
Mặc dù, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 đã có nhiều quy định, trong đó có quy định về thứ tự ưu tiên, các thủ tục biện pháp cách ly, đưa công dân nước ngoài về nước...Tuy nhiên, đại dịch xảy ra quá bất ngờ, chưa có tiền lệ nên đôi khi những quyết định chưa kịp thời, chưa hợp lý.
Đáng chú ý, việc nhận quà biếu xảy ra tại nhiều cơ quan và nhiều cán bộ. Một số cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ đưa công dân về nước cũng đã có những sai phạm trong việc nhận tiền, quà, lợi dụng chức vụ để trục lợi từ những chuyến bay đưa công dân về nước dẫn đến bức xúc trong dư luận. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, sau đó đã khởi tố vụ án hình sự đưa nhận hối lộ và điều tra mở rộng. 
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ của ai? giá trị tài sản bao nhiêu và thực hiện công việc gì, việc nhận lợi ích vật chất này có sự thỏa thuận như thế nào với người đưa hối lộ? Để chứng minh người có chức vụ quyền hạn phạm tội nhận hối lộ, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đã có hành vi nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của tổ chức, cá nhân để thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ, ở đây là phải có sự "thoả thuận" giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu theo kiểu "đổi chác", đổi quyền lực nhà nước lấy lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên...
Đối với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc bị xử lý hình sự, vị cán bộ này cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về Đảng và kỷ luật về mặt chính quyền nếu như có căn cứ cho thấy đã suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, có hành vi nhận hối lộ. 
>>> Mời độc giả xem thêm video 20 năm tù cho Chánh Thanh tra Quân đội nhận hối lộ

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN