Phi công Nguyễn Văn Bảy - Người anh hùng gắn với những con số 7

Tối muộn 22/9, Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy - người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã từ trần tại Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM) ở tuổi 84.

Tối 22/9, Thượng tá Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 cho biết anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã qua đời tại đơn vị Hồi sức tích cực vào khoảng 21h hôm 22/9.

Theo Trung tướng Phạm Phú Thái - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, hôm 21/9,  tình hình sức khỏe ông Bảy có biểu hiện tốt.

Tuy nhiên, vào khoảng chiều tối 22/9, các bác sĩ cho biết sức khỏe ông đột ngột chuyển biến xấu, đồng tử hai bên giãn rộng, tiên lượng xấu.

Phi cong Nguyen Van Bay - Nguoi anh hung gan voi nhung con so 7
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: Zing.

Anh hùng gắn liền với số 7

Sinh ra trên quê hương Lai Vung (Sa Đéc), sau này là Đồng Tháp, mảnh đất có nhiều huyền tích về đánh giặc, giữ nước, cậu bé Nguyễn Văn Bảy từ nhỏ đã khát khao được theo cha anh làm cách mạng. Học hết lớp 3 trường làng, 17 tuổi Bảy trốn nhà theo Việt minh đánh Tây. 

Năm 1954, Nguyễn Văn Bảy tập kết ra Bắc. Lúc đầu ở đơn vị bộ binh, năm 1960 có đợt tuyển phi công, Nguyễn Văn Bảy được chọn trong số 10 người của sư đoàn khám sức khỏe để dự tuyển phi công.

Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. 

Năm 1964, đế quốc Mỹ dựng ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, lấy cớ dùng không quân thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Đầu năm 1965, ông Bảy cùng đơn vị về nước, sẵn sàng chiến đấu. Tiếp đó là những tháng ngày oanh liệt, không bao giờ quên của phi công Nguyễn Văn Bảy.

Từ năm 1965 đến năm 1968, Nguyễn Văn Bảy tham gia nhiều trận đánh không đối không, trực tiếp hạ 7 máy bay chiến đấu của Mỹ, gồm 2 chiếc F- 105 và 5 chiếc F- 4, được gặp Bác Hồ và nhận huy hiệu của Người.

Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương AHLLVTND Việt Nam. Khi ấy ông là thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân 923, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân.

Phi cong Nguyen Van Bay - Nguoi anh hung gan voi nhung con so 7-Hinh-2
Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (đứng trên bên trái), người anh hùng từng bắn rơi 7 chiếc máy bay của Mỹ. 

Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể cuộc đời ông toàn ứng với con số 7. Ông thứ Bảy, tên Bảy.

Năm 17 tuổi, cha mẹ ông bắt lấy vợ, ông không chịu, trốn đi du kích đánh Tây. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, ở đơn vị bộ binh.

Học chưa hết lớp 3, đơn vị đưa ông Bảy đi Lạng Sơn học bổ túc văn hóa 7 năm.

Năm 1960, ông đổi qua binh chủng không quân và được cử đi học lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu học lái Yak - 52, sau học lái Mig-17.

"Khoảng tháng 4/1965, tao hoàn thành xuất sắc chương trình học lái Mig-17, trở về nước nhận nhiệm vụ lái Mig-17 đi đánh Mỹ. Tao có tất cả 13 lần xuất kích, trong đó có 7 lần bắn hạ 7 máy bay Mỹ.

Chiếc đầu tiên bắn hạ là ngày 19/6/1965, biên đội Mig-17 của tao được lệnh xuất kích vì máy bay Mỹ đang quần trên bầu trời Yên Thế. Khi Mig-17 của tao lao tới, chúng nó kéo cả bầy ùa lại phản kích, bắn đạn quá rát làm tao phải luồn lách liên tục để né.

Tới chừng Mig-17 của tao lắc quá, biết máy bay mình bị thương nhiều rồi, tao liều mình bay vút ra ngoài vòng vây máy bay Mỹ rồi tìm chỗ hạ cánh" - ông Bảy nhớ lại.

Ông Bảy kể thêm: Liên tiếp các trận sau, ông rút ra nhiều kinh nghiệm để bay và chiến đấu. Năm 1966, từ trận ngày 21-6 đến trận ngày 24-6, mỗi trận ông hạ 1 máy bay Mỹ.

Ở trận ngày 24/6, 2 máy bay Mỹ đang ném bom bừa bãi, phi đội của ông mỗi người một chiếc Mig-17 từ xa bất ngờ lao thẳng vào đội hình máy bay Mỹ. Mig-17 của ông có lúc bay theo trục thẳng đứng vút lên, bổ nhào xuống, nã đạn. Một chiếc F-4 Mỹ trúng đạn bốc cháy trên không trung. Chiếc còn lại cũng bị đồng đội ông bắn rớt.

Lão nông bình bị

Năm 1994, đang làm Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, ông Bảy viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông bảo: “Đủ rồi, giao lại cho lớp trẻ. Tao muốn về quê cày ruộng”. N

ói sao làm vậy. Rời quân ngũ sau 40 năm chinh chiến, với những chiến công lẫy lừng, ông Bảy “bỏ phố về làng”, đưa người bạn đời đồng hương cùng tập kết ra Bắc năm 1954 về quê sống như những người dân quê thực thụ.

Cứ như chưa từng có những ngày quần nhau với máy bay Mỹ trên bầu trời Võ Nhai, Chí Linh, Nam Hà, Đức Giang, Kiến An...

Phi cong Nguyen Van Bay - Nguoi anh hung gan voi nhung con so 7-Hinh-3
Một ngày của cụ Bảy lúc còn khoẻ: Sáng dậy sớm cho gà, cho cá ăn, rồi lại lội ao gỡ lưới, chèo thuyền hái sen.... Ảnh: Zing. 

Xa quê gần nửa thế kỷ, ông Bảy “tập lại làm lão nông”. Vụ lúa đầu tiên bội thu. Ông Bảy chở 5 giạ lúa mới đi xát thành gạo rồi kêu xe đưa thẳng đến trường Trẻ em khuyết tật tặng các cháu.

Không chỉ trồng lúa giỏi, ông Bảy còn nổi tiếng “có tay” nuôi chim, cá và trồng khoai mì. Năm 2011, ông Bảy giới thiệu củ khoai mì nặng trên 20kg - sản phẩm “cây nhà lá vườn” của ông.

Những năm gần đây, ông bà Bảy sống đạm bạc như bất cứ người dân Nam bộ nào mà ta đã gặp. Đến nỗi khi đoàn cựu chiến binh - phi công Mỹ đến thăm nhà, gặp ông, không ai nghĩ ông già nông dân rặt Nam bộ này là đối thủ của mình trên bầu trời miền Bắc Việt Nam những năm chiến tranh.

Cuối năm 2015, khi gặp ông, thiếu tá phi công Hải quân Charlie Plumb, người từng đụng độ với ông tại Quảng Yên ngày 24/4/1967 tỏ ra ngỡ ngàng. Viên cựu phi công Mỹ không nghĩ người bắn hạ các máy bay của Không lực Hoa Kỳ được mệnh danh “bất khả chiến bại” lại là một ông già bình dị, hóm hỉnh.

Phi cong Nguyen Van Bay - Nguoi anh hung gan voi nhung con so 7-Hinh-4
Ông Nguyễn Văn Bảy trong cuộc sống đời thường. Ảnh: Congan

Ông Bảy để râu là để tưởng nhớ Bác Hồ. Sinh thời, Bác Hồ rất yêu quý các chiến sĩ phi công, đặc biệt phi công người miền Nam, trong đó có ông Bảy. Và chính Bác đã đề nghị “rút” ông Bảy từ đơn vị chiến đấu về cơ quan huấn luyện.

Bác nói, những người dũng cảm, lập công xuất sắc, nhiều kinh nghiệm như phi công Nguyễn Văn Bảy cần giữ lại làm cán bộ huấn luyện. Và điều này nữa, Bác bảo, nếu để ông Bảy tiếp tục lái máy bay chiến đấu mà hy sinh thì Bác có lỗi với đồng bào miền Nam lắm!

Cuộc đời của AHLLVT - đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy thật huyền diệu, đầy ý nghĩa. Ông đã để lại cho hậu thế những kỷ vật vô giá, đó là cốt cách người đàn ông đất Việt “nước có giặc thì đi đánh giặc”. Và khi giặc tan, nước yên, không màng danh lợi, như truyền thuyết, ông lui về cố hương làm “ông già Nam bộ” như tổ tiên, cha ông đã từng làm.

Hoàng Phúc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN