Parkson Việt Nam làm ăn thế nào trước khi phá sản?

Trong quãng thời gian có mặt tại thị trường Việt Nam Parkson thua lỗ kéo dài. Các khoản lỗ ngày càng lớn sau đại dịch Covid-19.

Parkson Retail Asia (PRA), công ty con được niêm yết tại Singapore do Parkson Holding sở hữu 67,96%, vừa cho biết Tập đoàn Parkson sẽ rời khỏi Việt Nam do không đạt kết quả thuận lợi về thương mại. Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã phải nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh.

Lỗ triền miên

Theo thông tin PRA vừa công bố, Công ty TNHH Parkson Việt Nam (PRA sở hữu 100% vốn) sẽ đệ đơn lên tòa án tại TP HCM và bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện vào ngày 28/4.

Theo PRA, Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ. Các khoản lỗ thậm chí tiếp tục phình to những năm gần đây do sự ảnh hưởng từ Covid-19 tới môi trường kinh doanh. Thuế đất cao cũng là nguyên nhân khiến công ty thêm khó khăn.

Tính đến hết quý I/2018 niên độ 2017-2018, kết quả kinh doanh của Parkson lỗ trước thuế 24 tỷ đồng trong quý I/2018, đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.

Lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018 (niên độ tài chính bắt đầu từ tháng 7 hàng năm), Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam nhưng lỗ tới 48 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm tài chính 2022, các hoạt động tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 1,72 triệu USD (khoảng hơn 40 tỷ VNĐ) trong khi cùng kỳ năm trước lãi trước thuế 10,27 triệu USD. Doanh thu công ty cũng giảm từ 7,57 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 1,8 triệu USD vào năm ngoái.

Chính vì vậy, Tập đoàn này đánh giá và xác định việc duy trì hoạt động tại Việt Nam không khả thi về mặt thương mại. Do đó, HĐQT Parkson Việt Nam thống nhất việc nộp đơn phá sản mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty.

Quyết định này phù hợp với định hướng tập trung vào thị trường Malaysia của PRA. Công ty vẫn lạc quan về triển vọng chung tại đây, bao gồm tâm lý người tiêu dùng và số lượng khách du lịch nước ngoài ngày càng tăng.

Hiện Parkson Việt Nam còn vận hành duy nhất một trung tâm thương mại nằm tại quận 1, TP HCM. Theo quy định tại Việt Nam, Parkson Việt Nam chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn quá trình phá sản và không liên quan tới công ty mẹ hay công ty con trong hệ thống.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi cơ quan quản lý chứng khoán, Parkson Holdings cho biết việc phá sản của Parkson Việt Nam dự kiến không tác động đáng kể đến thu nhập của tập đoàn cho năm tài chính niên độ 2023 và tài sản ròng dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022.

Parkson Viet Nam lam an the nao truoc khi pha san?
Tập đoàn Parkson sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam sau gần năm hoạt động - Ảnh: Parkson Vietnam 

Thăng trầm của Parkson Việt Nam

Parkson tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những siêu thị bán lẻ hàng hiệu quốc tế đầu tiên tại đây. Những năm đầu Parkson đã phát triển thành một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm, làm đẹp của giới nhà giàu tại hai đô thị lớn là TP HCM và Hà Nội vào thời điểm chưa có nhiều trung tâm thương mại cao cấp.

Đến năm 2012, Parkson có 8 trung tâm thương mại (TTTM) bao gồm 5 TTTM sở hữu: Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark; và 3 TTTM thuê lại: Saigon Tourist, Paragon và C.T;  Ngoài ra, Parkson còn có một TTTM tại Hải Phòng.

Năm 2013, Parkson công bố tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại TP HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Lúc này Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Parkson.

Sau những năm ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, bắt đầu từ năm 2015 trở đi, Parkson Việt Nam gặp khó khăn, các TTTM không thể tiếp tục gồng lỗ, lần lượt đóng cửa.

Giai đoạn 2015-2018 doanh nghiệp này bắt đầu đuối sức so với các đối thủ vào sau Crescent Mall, Lotte, Aeon.... Doanh nghiệp lần lượt công bố dừng hoạt động các trung tâm thương mại tại Keangnam (Hà Nội), Parkson Paragon (TP HCM), Parkson Viet Tower (Hà Nội), Parkson Flemington tại 184 Lê Đại Hành (TP HCM) do kinh doanh thua lỗ.

Theo các chuyên gia, bản thân Parkson không có sự thay đổi từ phong cách đến phương pháp kinh doanh. Họ giữ nguyên mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới giới thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác.

Trong khi đó, các đối thủ khác được đánh vào nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều hơn của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Từ việc tích hợp khu vui chơi, rạp chiếu film và ăn uống trong khu mua sắm khiến sức mua được cải thiện và mở rộng được nhóm khách hàng hơn so với chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng như Parkson.

Việc chậm đổi mới đã khiến khách hàng dần quay lưng với Parkson, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua.

Với việc sắp rút khỏi Việt Nam, hoạt động duy nhất của Tập đoàn này sẽ là ở Malaysia. Theo báo cáo thường niên năm 2022, Parkson Retail Asia có 38 cửa hàng tại Malaysia với tổng diện tích bán lẻ là 429.000 m2.

Minh Quang (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN