Nhân viên VietAbank và 2 ngân hàng khác tiếp tay cho siêu lừa đảo thế nào?

Viện kiểm sát đã truy tố 17 cán bộ, nhân viên của NCB, PVcomBank và VietABank với cáo buộc hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định giúp Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
 
Với sự giúp sức của 17 cựu cán bộ của ngân hàng PVcomBank, NCB, VietABank, Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 433 tỷ đồng, theo cáo buộc của VKS.
Theo báo Pháp Luật, Thành bị cáo buộc cùng đồng phạm thực hiện hơn 20 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng nêu trên và nhiều cá nhân khác.
Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến 2018, Thành kinh doanh thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân dưới hình thức vay của người sau trả cho người trước.
Nhan vien VietAbank va 2 ngan hang khac tiep tay cho sieu lua dao the nao?
 Bị cáo Thành áo nâu tại TAND Hà Nội, sáng 26/12. 
Dẫn từ cáo trạng, thời gian đầu Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn; đồng thời qua mối quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn.
Sau đó Thành lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng, vay các ngân hàng với số tiền lớn, nên các ngân hàng đều coi Thành là khách VIP.
Dưới sự giúp sức của Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô - VietABank), Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Việt Á Bank) và một số nhân viên ngân hàng VAB, Thành đã thực hiện trót lọt các khâu từ khi gửi tiền tiết kiệm, thẩm định hồ sơ vay, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay, cáo trạng nêu.
Khi Thành đề nghị gửi tiền, Hương chỉ đạo giao dịch viên in, ký trước các hồ sơ để thủ tục được nhanh gọn hoặc ký khống chứng từ nộp tiền khi mà Thành còn chưa nộp tiền. Cùng với đó, Đức phổ biến với các nhân viên VAB rằng Thành "là khách hàng VIP" nên phải hỗ trợ tối đa.
Theo cáo buộc, để tạo niềm tin cho người gửi tiền cùng Thành, Hương giải thích khoản tiền gửi đã được phong toả nên nếu không có mặt cả hai người đồng sở hữu sẽ không thể rút. Hương và Thành cũng giấu khách hàng về việc phát hành sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này.
Để đối tác tin tưởng khi gửi tiền đồng sở hữu, Thành phải bỏ một phần tiền để cùng gửi tiết kiệm. Do không có, Thành "vay nóng" của Đặng Thị Quỳnh Hương với lãi suất cao.
Quỳnh Hương quản lý một số khách có nhiều tiền gửi tiết kiệm nên giới thiệu Thành với những người người này. Tuy không biết Thành là ai, người có sổ tiết kiệm trên thấy hứa hẹn được trả lãi suất cao, lại do Quỳnh Hương bảo lãnh nên tin tưởng, đồng ý cho vay, nhà chức trách xác định.
Có trường hợp, Hương giúp Thành lập Hợp đồng tiền gửi bằng với số tiền hứa góp của Thành. Tuy nhiên ở sổ tiết kiệm (tiền gửi thực tế vào ngân hàng) chỉ có tiền của người đồng sở hữu với Thành.
Sau khi có sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Thành nhờ Hương thế chấp để vay tiền của ngân hàng lên tới 95% giá trị sổ. Hương chỉ đạo các giao dịch viên, thủ quỹ lập các chứng từ của bộ hồ sơ vay đưa cho Hương để chuyển lại cho Thành và người đồng sở hữu ký.
Trên thực tế, Thành không cho người đồng sở hữu biết việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng. Thành và Tùng tự giả chữ ký của người đồng sở hữu sau đó đưa lại bộ hồ sơ có chữ ký giả này cho Hương để hoàn tất thủ tục giải ngân.
Giữa năm 2018, phát hiện Thành giả chữ ký của những người đồng sở hữu để làm hồ sơ vay tiền tại VietABank, Hương không báo cáo cấp có thẩm quyền. Nữ trưởng phòng lại yêu cầu Thành viết một bản cam kết với nội dung thừa nhận đã giả mạo chữ ký và mọi việc không liên quan đến Hương.
Các cán bộ ngân hàng khác bị cáo buộc có hành vi duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho các khoản vay của Thành mà bỏ qua nhiều khâu kiểm soát; không gặp gỡ khách hàng, chủ sở hữu tài sản đảm bảo để kiểm tra tính xác thực dẫn đến việc bị giả mạo chữ ký.
Bằng những thủ trên, từ tháng 6 đến tháng 10/2018, Thành đã chiếm đoạt của VAB hơn 273 tỷ đồng, chiếm đoạt của bốn cá nhân 63 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc dân (NCB), theo cáo buộc, Thành tiếp cận với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp, Trung tâm giao dịch Vạn Xuân, Ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (chuyên viên quan hệ khách hàng Ngân hàng PVcomBank).
Để có tài sản đảm bảo cho khoản vay tại hai ngân hàng này, Thành vay tiền của ông Đặng Nghĩa Toàn ở phố Hàng Tre. Tuy nhiên, Thành không nhận tiền mặt và đề nghị ông Toàn gửi tiền vào ngân hàng NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho cô ta quản lý.
Thành sau đó dùng các sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, giả chữ ký, lăn tay của vợ chồng đại gia này để vay vốn các ngân hàng. Vợ chồng ông Toàn khai "không biết và chưa từng đồng ý" cho Thành dùng sổ tiết kiệm của mình để vay tiền của ngân hàng, theo nguồn Zing.
Khi cầm hồ sơ vay vốn của Thành, cán bộ ngân hàng Tuấn đã không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo là vợ chồng ông Toàn để xác minh. Hơn nữa, khi hồ sơ cấp tín dụng chưa đầy đủ, cũng chưa thẩm định nhưng Tuấn đã lập tờ trình cấp tín dụng và đề nghị PVCombank giải ngân, cáo trạng nêu.
Còn tại PVcomBank, VKS xác định Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng hình thức yêu cầu vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng. Sau đó, Thành và đồng phạm giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi, qua đó chiếm đoạt của ngân hàng này 49,4 tỷ đồng.
Trong cáo trạng mới ban hành, VKS ghi nhận vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn đã yêu cầu 3 ngân hàng NCB, PVcomBank và VietABank phải trả cho họ tổng số tiền 122 tỷ đồng đã gửi vào các nhà băng. Đây là tổng số tiền mà Hà Thành vay ông Toàn rồi chỉ định ông này gửi tiết kiệm vào 3 nhà băng.
Hồng Quyên (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN