Người mẹ thứ hai của trẻ người Mông trên đỉnh suối Giàng

Cô Đỗ Thùy Quyên chia sẻ, ngày 20/11, món quà đôi khi chỉ là quả chuối, bó hoa rừng… nhưng cô thực sự xúc động, tự hào trước tình cảm của những học trò miền núi.
Thương yêu các học trò như con
Là một trong số 400 giáo viên xuất sắc được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT, có mặt trong buổi Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức, cô giáo mầm non Đỗ Thùy Quyên gây ấn tượng bởi trang phục của người Mông. Thoạt nhìn, cứ ngỡ cô giáo có nụ cười tươi, ấm áp này là người dân tộc ít người, nhưng, cô Quyên cho biết, cô là người Kinh. Cô mặc như vậy là để thể hiện sự tôn trọng với các học trò của mình.
Co giao Do Thuy Quyen – nguoi me thu hai cua tre nguoi Mong tren dinh suoi Giang
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: Mai Loan.
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên sinh năm 1986, cho đến thời điểm này, cô đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non. Hiện tại, cô đang là giáo viên của một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Cô Đỗ Thùy Quyên chia sẻ, một ngày của giáo viên mầm non của cô bắt đầu từ lúc 6 sáng đã phải di chuyển ra khỏi nhà đến trường để đón các em. Đến chiều, có khi tới 6 giờ tối, khi mặt trời đã xuống núi, phụ huynh mới đến đón con về.
Là giáo viên mầm non bình thường đã vất vả, đối với giáo viên miền núi, nỗi khó khăn, vất vả có lẽ nhân lên gấp nhiều lần. Trong đó, khó khăn lớn nhất là bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa.
Các học trò của cô Quyên đến 98% người dân tộc Mông, các em chủ yếu nói tiếng dân tộc của mình, biết rất ít tiếng Kinh, thậm chí có em không nói được tiếng Kinh và rất nhút nhát. Để dạy được các em, cô giáo thực sự phải giống như người mẹ thứ hai, thương yêu, kiên trì, thấu hiểu, vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, vừa giáo dục.
Để làm được điều đó, các cô giáo phải học tiếng Mông. Bởi nếu không giao tiếp cũng không thể dạy được các em, giữa cô và trò luôn có khoảng cách, đây là một thách thức rất lớn. Các cô giáo học tiếng Mông từ chính những học trò bé bỏng của mình, rồi qua giao tiếp với phụ huynh, đồng nghiệp. Và không chỉ học tiếng, còn phải học cả văn hóa của người Mông, như cách cô mặc bộ trang phục của người Mông này.
“Tôi muốn thể hiện sự tôn trọng các em, với văn hóa truyền thống của đồng bào. Có lần, khi tôi mặc bộ váy áo này tổ chức cho các hoạt động lớp của các con,các bé đã thốt lên: “Cô giáo xinh đẹp quá”. Đó là điều khiến tôi cảm thấy rât vui, hạnh phúc”, cô Quyên chia sẻ. 
Lớp học công nghệ “xuyên biên giới”
Cô Quyên cho biết, các học trò vùng cao rất nghèo, cuộc sống khó khăn, nhưng chính vì thế lại làm cho cô cảm thấy thương, muốn gắn bó với các em hơn.
“Có một lần, tôi tình nguyện đi vào một bản rất xa khi xin được sữa tài trợ cho các con uống. Thế nhưng, điều khiến tôi xúc động rơi nước mắt đó là các con không biệt cắm ống hút như thế nào để uống, vì các con chưa được uống bao giờ. Hình ảnh đó đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi, và khiến tôi muốn gắn bó, muốn làm cái gì đó nhiều hơn cho các em, hơn lầ việc chỉ chăm sóc, dạy dỗ các em như bình thường”, cô Quyên xúc động.
Co giao Do Thuy Quyen – nguoi me thu hai cua tre nguoi Mong tren dinh suoi Giang-Hinh-2
Học sinh cô Quyên hào hứng với những cuốn sách 3D. Ảnh: NVCC.
Biết đến những tấm thiệp 3D do nước ngoài sản xuất, cô Quyên mày mò làm những tấm thiệp này cho học trò của mình, làm thành 10 cuốn sách. Những cuốn sách 3D của cô được lấy câu chuyện từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết có khả năng chuyển động, giúp trẻ dễ nhận biết và nâng cao khả năng tư duy.
Để làm những tấm sách này, cô đã phải nỗ lực rất nhiều, toàn bộ quá trình cắt dán đều làm thủ công, cô thường tranh thủ làm vào ban đêm. Sự hào hứng, thích thú của các em khi được đọc những cuốn sách này, chính là phần thưởng cho cô sau những vất vả.
Năm 2019, sách 3D của cô Quyên được chọn là một trong 50 sáng kiến lọt vào chung kết cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin.
Co giao Do Thuy Quyen – nguoi me thu hai cua tre nguoi Mong tren dinh suoi Giang-Hinh-3
Học sinh được sử dụng robot trong giờ học. Ảnh:NVCC.
Từ năm 2018, cô Quyên tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft. Với việc tham gia này, cô Quyên đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học "xuyên biên giới". Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Nhờ nỗ lực của cô, mà các học trò vùng cao của cô tự tin hơn, nhiều em trước kia không giao tiếp thì giờ cởi mở. Đó là điều cô cảm thấy hạnh phúc.
“Có những bạn mới ra lớp rất là nhút nhát, không bao giờ nói chuyện với cô giáo, không bao giờ nói bằng tiếng Kinh. Gần như 1 tháng đầu, cô dùng mọi biện pháp cũng không thể nào cho con nói chuyện được. Thế nhưng, sau khi đươc tham gia một buổi học 'xuyên biên giới' qua một chiếc điện thoại, dù sóng lúc đó rất phập phù, các em được đi tham quan Hà Nội, nói chuyện với cô giáo… thì các em đã chịu giao tiếp. Đó là điều tôi cảm thấy rất vui”, cô Quyên nói.
Đầu năm 2019, cô Quyên tham gia Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin và đoạt giải Khuyến khích. Cô là giáo viên mầm non đầu tiên tham gia diễn đàn này.  
Với mong muốn có thêm kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng dạy học, cô giáo Quyên đã xây dựng dự án "Nông sản sạch – cùng bé đến trường”.
Gần đây, cô Quyên đã ứng dụng dạy học bằng robot thông minh. Cô sử dụng 2 robot thông minh là robot Mtiny và robot Vex 123 để giáo dục STEM. Trong đó, robot Mtiny được mua từ việc trích kinh phí cá nhân, dự án "Nông sản sạch – cùng bé đến trường” kết hợp với kinh phí ủng hộ của nhà hảo tâm. Còn robot Vex 123 được đội ngũ Liên minh STEAM và Kidscode STEM cho mượn.
Khi được hỏi về niềm trăn trở hiện nay, cô Quyên nói sẽ phấn đấu để thay đổi khoảng cách giữa giáo viên và học sinh vùng cao, từ đó góp phần giảm thiểu chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền. Cô mong muốn sễ nhanh chóng tăng lương cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao để các thầy cô yên tâm công tác.
Cô Quyên chia sẻ, tình cảm của học trò vùng cao đối với cô giáo rất mộc mạc, những món quà tặng cô cũng giản dị như tình cảm của các em. Có khi là quả chuối, một nhúm măng rừng…. nhưng làm cho cô thấy rất xúc động. Gần đây nhất, ngày 18/11, cô nhận được bưu thiếp từ một học trò cũ.
“Giờ bạn ấy đã học lớp 5, nhưng năm nào cũng có một món quà tặng cô, năm thì một bông hoa, năm nay là một cái bưu thiếp với những cái dòng chữ viết rất là tình cảm… “Đó là những điều khiến tôi cảm động, thêm gắn bó và yêu nghe", cô Quyên tâm sự.
Mời quý độc giả xem video: Cô giáo Đỗ Thùy Quyên, Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái chia sẻ kỷ niệm xúc động khi là một cô giáo vùng cao. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện. 


Mai Loan

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN