Hơn 8.237 công nhân của Trường Hải bị ảnh hưởng việc làm do COVID-19

Do dịch bệnh Covid-19 nên tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, gồm 32 công ty con có đến 8.237 lao động bị ảnh hưởng về việc làm.
Ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng năm 2020, nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 5/2020.
Báo cáo nêu rõ chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 27% so với cùng kỳ và giảm ở hầu hết các nhóm ngành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ số sản xuất giảm do các doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ nên phải hoạt động cầm chừng, hiệu suất công việc không cao. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm một phần hoặc giãn lao động làm việc các ngày trong tháng, do đó chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và bị hủy đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca, giảm số ngày làm trong tuần, chuyển sang may khẩu trang để duy trì hoạt động sản xuất và để duy trì lực lượng lao động tại doanh nghiệp.
Có 4 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho công nhân tạm thời nghỉ việc hoặc giảm số ngày làm; 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, 3 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Thăng cho công nhân nghỉ luân phiên; 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai tạm đóng cửa; 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Hiệp cho 50% công nghỉ luân phiên; có 9 doanh nghiệp tại 8 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho công nhân tạm nghỉ hoặc làm việc luân phiên để duy trì hoạt động sản xuất.
“Riêng tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải (gồm 32 Công ty con với 8.237 lao động) có Công ty ô tô Bus với 800 công nhân tạm dừng hoạt động, toàn bộ 800 công nhân được điều chuyển bố trí làm các công việc khác tại 31 Công ty còn lại; một số Công ty con khác phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu trong báo cáo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc nhập cảnh, chuyển giao công nghệ do các chuyên gia, lao động nước ngoài, nhà đầu tư không thể nhập cảnh vào Việt Nam để hướng dẫn lắp ráp, điều hành hệ thống máy móc, chuyển giao công nghệ, thực hiện các thủ tục để triển khai dự án sau khi cấp phép.
Đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, qua khảo sát có khoảng 61,2% doanh nghiệp đánh giá bị ảnh hưởng doanh thu từ 10% trở lên. Nếu thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dự kiến 77,5% doanh nghiệp giảm doanh thu ít nhất từ 10% trở lên so với năm 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 đã làm cho nguồn thu ngân sách chưa đạt tiến độ và giảm so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4 tháng 6.091 tỷ đồng, đạt 23,6% dự toán năm và giảm 34% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 4.799 tỷ đồng, đạt 23,4% dự toán năm và giảm 30% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu 1.292 tỷ đồng, đạt 24,6% dự toán và giảm 44% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 6.211 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên 3.107 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai quyết liệt, có hiệu quả trên địa bàn, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đặc biệt là sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; đến nay dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; tăng trưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực đều sụt giảm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cựcbởi dịch bệnh, nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ bị gián đoạn; thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ và dự báo đến cuối năm chỉ đạt 70% dự toán. Công tác giải ngân vốn còn chậm so với yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. 
"Tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Dự báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến sẽ gặp nhiều khó khăn...", ông Lê Trí Thanh cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẽ, đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo hướng vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống cho người dân và doanh nghiệp.
Tập trung xây dựng và triển khai chương trình thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng có sản phẩm cụ thể, đặc trưng, các sản phẩm mới,… để thu hút khách nhằm phục hồi lại đà tăng trưởng du lịch trên địa bàn tỉnh...

Kim Chi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN