Doanh nhân Mai Thị Hồng Hạnh - trùm xăng dầu vừa bị bắt: Hệ sinh thái trải dài

Không chỉ kinh doanh xăng dầu, nhóm Xuyên Việt Oil của doanh nhân Mai Thị Hồng Hạnh còn hoạt động trải dài trong nhiều lĩnh vực đa dạng.

Doanh nhan Mai Thi Hong Hanh - trum xang dau vua bi bat: He sinh thai trai dai

Hệ sinh thái trải dài của nữ doanh nhân Mai Thị Hồng Hạnh. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.

Ngày 8/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 2 bị can trong vụ án hình sự: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, quy định tại các Điều 219 Bộ luật Hình sự. Các quyết định đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. 

Căn cứ kết quả điều tra, A09 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự. Cùng tội danh, bị can Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992), Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cũng bị bắt.

Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil được thành lập vào tháng 5/2015, hiện đóng trụ sở chính tại số 465-467 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979) là Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Tính đến thời điểm tháng 9/2022, vốn điều lệ Xuyên Việt Oil đạt 3.000 tỷ đồng với bà Mai Thị Hồng Hạnh là cổ đông chi phối nắm 98%, bà Mai Thị Ngọc Trinh nắm 2% còn lại.

Công ty Xuyên Việt Oil là một trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 5 năm.

Ngày 11/8, Xuyên Việt Oil bị Bộ trưởng Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu, cấp ngày 19/11/2021 và hiệu lực tới tháng 11/2026.

Trước đó, kết luận thanh tra năm 2022 cũng cho biết Xuyên Việt Oil có nhiều vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Chẳng hạn, doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu là phải có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ, hay thương nhân nhượng quyền bán lẻ.

Việc Xuyên Việt Oil mua xăng dầu từ công ty con của mình (CTCP Việt Oil Group Lado) bị thanh tra xác định là vi phạm Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không thực hiện xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu; chưa kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động của các tổng đại lý, đại lý trong hệ thống.

Công ty Xuyên Việt Oil đã bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu trong vòng 1,5 tháng. Xuyên Việt Oil cũng bị Bộ Công Thương xác định chậm nộp thuế hơn 680 tỷ đồng.

Hệ sinh thái trải rộng của nữ doanh nhân họ Mai

Ngoài mảng kinh doanh xăng dầu, Xuyên Việt Oil còn nắm 55% vốn CTCP dịch vụ thương mại Lâm Đồng, giá trị cổ phần 220 tỷ đồng. Đây từng là chủ đầu tư dự án Khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở Phương Nam (cũ Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Bảo Lộc). Tuy nhiên từ tháng 9/2016, DVTM Lâm Đồng đã chuyển nhượng dự án cho DNTN Phương Nam và CTCP Hiệp Phú.

Đáng chú ý, DVTM Lâm Đồng tính đến tháng 8/2023 (theo danh sách công bố bởi Tổng cục thuế Cục thuế tỉnh lâm Đồng) ghi nhận nợ thuế hơn 14 tỷ đồng.

Ngoài ra, Xuyên Việt Oil còn sở hữu 94% vốn CTCP Cảng Việt Oil, tương ứng tổng giá trị 564 tỷ đồng. Tuy đến đến tháng 9/2018, Xuyên Việt Oil còn nắm 38,2% vốn công ty, 2 cổ đông còn lại là Mai Thị Ngọc Trinh (20,6%) và  ông Nguyễn Thanh Bình (41,2%). Dù vậy, nhóm Xuyên Việt Oil cơ bản vẫn nắm chi phối khi sở hữu hơn 51% vốn khi bà Trinh cũng là một mắt xích cùng nhóm. Mặt khác, “tiếng nói” của Xuyên Việt Oil thể hiện qua việc bà Mai Thị Hồng Hạnh là Chủ tịch HĐQT, kiêm Người đại diện theo pháp luật Cảng Việt Oil.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh còn đứng tên tại Công ty TNHH Thành Phong, đơn vị này có ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Hiện, Thành Phong sở hữu 2 chi nhánh tại khu vực Đà Lạt – Lạc Dương là Quầy gỗ 51 Hùng Vương và Xưởng cưa Nông lâm trường 78. Theo tìm hiểu, Thành Phong trước thuộc sở hữu của các cổ đông gồm Lê Trần Phong (40%), Phạm Hồng Lạc (21%) và Võ Thị Nhạn (39%). Song, sau nhiều lần xáo trộn, bà Mai Thị Hồng Hạnh đến tháng 12/2021 là cổ đông lớn nhất nắm hơn 96,7% vốn công ty.

Một doanh nghiệp cùng nhóm là CTCP Thương mại Queen Land được biết đến là chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Tân Dương có quy hoạch với diện tích đất 158.715m2 (xã Tân Dương và Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) để thực hiện dự án gạch bằng đất nung và gạch không nung - đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Dương. Tuy nhiên đến giữa năm 2023, 2 công ty này chậm đưa đất vào sử dụng quá thời hạn quy định, thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 của Chính phủ.

Ngoài các đơn vị kể trên, bà Hạnh còn đứng tên tại Công ty TNHH Thanh Phong, CTCP Việt Oil, Công ty TNHH Triệu Phong Bình Thuận và Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Phương Mai.

Theo Hóa Khoa/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN