Đề xuất giảm thuế tới 4% để kích cầu nền kinh tế

Nhiều ĐBQH góp nhiều ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%... 
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất kinh doanh…
Thuế VAT nên giảm đến 4%
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) đánh giá, những kết quả đã đạt được năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cùng những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô được báo cáo khách quan.
Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, ông Trí đề nghị Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.
Đại biểu cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.
De xuat giam thue toi 4% de kich cau nen kinh te
 Kích cầu nền kinh tế: Đề xuất giảm thuế tới 4% (ảnh minh họa: Internet).
Đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, dù đã có nhiều đợt giảm lãi suất điều hành từ đầu năm, song Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng, có phương thức điều hành linh hoạt. Cụ thể, giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bất ngờ bị siết lại.
Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, vị đại biểu đoàn Sóc Trăng cũng cho rằng, mức giảm thuế VAT 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế, bởi trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua cho nền kinh tế. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong cả nước.
“Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế VAT từ 3 - 4% thay vì chỉ giảm 2%”, đại biểu Tô Ái Vang nói, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế VAT kéo dài đến hết năm 2024.
Kéo dài giảm thuế VAT đến hết 2024
Tham gia ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) tán thành cao việc cần thiết tiếp tục có những giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc việc thực hiện chính sách không liên tục bị ngắt quãng 6 tháng nay đề xuất tiếp tục cho triển khai chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, như vậy là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024. Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.
Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách đến hết năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế chỉ có hiệu lực cho đến hết năm 2023. Phương án trình đã phù hợp với cân đối cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay…
Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ cho hay chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4 nghìn tỷ đồng.
Khi thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN