Bị cấm tảo hôn, nộp phạt xong... lại cưới

Kết hôn sớm, các em phải đối mặt nhiều nguy cơ về sức khỏe, bạo lực gia đình, học vấn thấp, đời sống đói nghèo..
Tảo hôn là sợi dây thòng lọng với người trẻ
Ở Việt Nam, mặc dù luật pháp về các vấn đề hôn nhân và gia đình đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ 18 và nam giới là đủ 20, song 11% phụ nữ kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước tuổi 18.
Bi cam tao hon, nop phat xong... lai cuoi
 Bà mẹ ở Thường Xuân (Thanh Hóa) kết hôn từ năm 16 tuổi.   Ảnh:  Minh Nguyệt
Bà Nguyễn Thị Tư – Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em, đặc biệt trẻ em ở vùng núi phải kết hôn sớm. Trước hết là do các em hạn chế về kiến thức. Nhiều em lo sợ không có người yêu, không lấy chồng sớm thì ế. Thậm chí có em còn cho rằng, yêu rồi mà không lấy thì sợ bị đánh giá là “rẻ tiền”... Có nhiều em bị bố mẹ ép buộc, hôn nhân cưỡng ép vì chót nhận tiền mai mối... Thậm chí có những cuộc hôn nhân sớm, đơn giản chỉ vì nhà cần có người làm rẫy.
Kết quả trong nghiên cứu “Kết hôn trẻ em ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số” do một số tổ chức phi chính phủ thực hiện vừa công bố cho thấy nhiều trẻ em tự quyết định hôn nhân. Trải nghiệm hôn nhân của các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí gặp phải nguy cơ bị bạo lực.
Nguyễn Thị Lan, 20 tuổi (dân tộc Vân Kiều, Quảng Trị) chia sẻ: “Chồng em thì tốt, thương em, nhưng gia đình chồng quá ác. Vì cãi nhau với bố chồng mà anh em chồng đánh em đến sảy thai”.
Một người vợ trẻ khác là Nguyễn Thị Ủn, 17 tuổi, người dân tộc Mông sống ở Yên Bái, cho biết: “Em thấy lấy chồng xong việc gì cũng chẳng như khi ở với mẹ mình, cũng buồn. Ở với bố mẹ mình muốn thế nào cũng được, còn lấy chồng thì phải theo chồng”.
Ông Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: “Tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm mất đi các cơ hội tìm việc làm. Tảo hôn cũng khiến các em gái dễ mang thai sớm, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn cũng làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới”.
Thứ trưởng Hà Hùng phân tích, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em và tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế-xã hội, tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc.
Chính sách cấm tảo hôn chưa hiệu quả
Tại hội thảo quốc gia về tảo hôn và kết hôn trẻ em, diễn ra ngày 29.6, Ủy ban Dân tộc cho biết tỷ lệ tảo hôn chung trong các nhóm dân tộc thiểu số khá cao là 26%, thậm chí tỷ lệ này ở nhiều nơi là rất cao, lên đến 50-60%. Pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách để hạn chế tình trạng tảo hôn. Ngoài ra, tháng 4.2015 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2025. Luật hôn nhân gia đình quy định cụ thể về việc cấm tảo hôn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc thực hiện vẫn còn “đánh trống bỏ dùi”.
Một phụ huynh người dân tộc Mường ở Hoà Bình cho biết: “Quy định của pháp luật thì mình cứ nộp phạt thôi, nộp xong thì cưới”. Thậm chí, bà này còn cho biết, có nhiều trường hợp cưới xong cũng chẳng nộp tiền.
Bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên Hợp Quốc (UN Women) cho rằng Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể hơn, không chỉ dừng lại ở quy định luật pháp. Theo đó, chìa khóa để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền và đầu tư cho phụ nữ, trẻ em gái. “Theo đó, các em phải được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục đào tạo, tư vấn về pháp luật, y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác” – bà này nói.
Theo Minh Nguyệt/ Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN