Bà Rịa – Vũng Tàu có 135,95 ha đất bị ô nhiễm

Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, khu vực bị ô nhiễm chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản; đất khu công nghiệp và đất canh tác nông nghiệp.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 236/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả dự án “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Theo đó, kết quả khoanh định diện tích đất bị ô nhiễm (ON) và cận ô nhiễm (ONc) trên toàn tỉnh là 184,35 ha, chiếm 0,44% diện tích điều tra.

Trong đó, diện tích đất bị ô nhiễm là 135,95 ha, chiếm 0,33% diện tích điều tra và diện tích đất và cận ô nhiễm là 48,40ha, chiếm 0,12% diện tích điều tra của 18/71 khu vực điều tra trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ huyện Côn Đảo).

Ba Ria – Vung Tau co 135,95 ha dat bi o nhiem
 Khu công nghiệp Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ)

Kết quả đánh giá theo khu vực điều tra thì khu, cụm công nghiệp có 2 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ) và Khu công nghiệp Châu Đức (huyện Châu Đức).

Khu khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng có 3 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu vực khai thác khoáng sản VinaConex (TP Bà Rịa); Khu vực mỏ đá xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) và Mỏ cát phường Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ).

Khu vực chế biến thủy sản có 3 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Cơ sở chế biến thủy sản phường 12 (TP Vũng Tàu); Cơ sở chế biến thủy sản phường 12 - Cửa Lấp (TP Vũng Tàu) và Cơ sở chế biến thủy sản của DNTN Thuận Du (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ).

Khu vực nuôi trồng thủy sản có 7 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Nuôi trồng thủy sản phường 12 (TP Vũng Tàu); Nuôi trồng thủy sản Long Sơn 2 (TP Vũng Tàu); Nuôi trồng thủy sản Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ); Nuôi trồng thủy sản Tân Hòa (thị xã Phú Mỹ); Nuôi trồng thủy sản Xuân Sơn (huyện Châu Đức); Nuôi trồng thủy sản thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) và Nuôi trồng thủy sản xã An Ngãi (huyện Long Điền).

Khu vực chuyên canh lúa có 3 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu canh tác lúa Đất Đỏ - Phước Hội (huyện Đất Đỏ); Khu chuyên canh lúa Đất Đỏ - Long Tân (huyện Đất Đỏ) và Khu chuyên canh lúa Láng Dài - Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ).

Ba Ria – Vung Tau co 135,95 ha dat bi o nhiem-Hinh-2
Ống xả nước thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn phường 12 (TP Vũng Tàu) xả nước đục ngầu, có lẫn cả xác cá ra nhánh sông Cửa Lấp. Ảnh: Tư liệu 

Ông Đặng Sơn Hải cho hay, dự án “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã thực hiện điều tra thực địa theo 98 tuyến nhằm xác định nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, hướng lan tỏa ô nhiễm, xác định ranh giới khoanh đất bị ô nhiễm.

Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất cho thấy, khu vực chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản (0,14%); đất khu công nghiệp (0,12%); đất canh tác nông nghiệp (0,09%),...

Đáng chú ý là các mẫu đất tại khu vực cơ sở chế biến thủy sản phường 12 (TP Vũng Tàu) có diện tích điều tra khảo sát là 5,31 ha thì 100% diện tích điều tra đều nằm trong diện cận ô nhiễm và ô nhiễm.

“Hay như trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, cơ quan chức năng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, với diện tích hơn 7.110 ha gồm 15 khu vực. Kết quả có tới 5 khu vực bị ô nhiễm và cận ô nhiễm, gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ, Khu mỏ đá xã Tóc Tiên, Khu mỏ cát phường Phú Mỹ, Khu nuôi trồng thủy sản Mỹ Xuân và Khu nuôi trồng thủy sản Tân Hòa. Trong đó, toàn bộ diện tích đất khu công nghiệp đều có thông số gây ô nhiễm là Kẽm (Zn)”, ông Hải nói.

Thiên Bảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN