Vải thiều Lục Ngạn vận chuyển bằng đường máy bay có giá đến 150.000 đồng/kg

Ngay từ giữa tháng 5 cho đến sau Tết Đoan Ngọ, trái vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vẫn hút hàng ở mức giá cao tại thị trường TP.HCM.
Mặc dù giá bán cao nhưng sức mua trái vải đầu mùa tại TP.HCM không giảm do chất lượng thơm ngon vì trái vải thiều Lục Ngạn đã áp dụng sản xuất hữu cơ, VietGAP, ít sử dụng phân hóa học để kích thích trái vải lớn nhanh, hay làm chín ép.
Tại các chợ bán lẻ, giá bán vải thiều vận chuyển bằng xe lạnh ở mức 75.000 - 85.000 đồng/kg, vận chuyển bằng máy bay có giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, tùy thuộc từng cửa hàng và điểm bán.
Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm nay, Saigon Co.op tiếp tục đưa vải thiều Lục Ngạn đến hệ thống gần 700 điểm bán với sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ.
Vai thieu Luc Ngan van chuyen bang duong may bay co gia den 150.000 dong/kg
 Vải thiều Lục Ngạn được người tiêu dùng đón nhận tốt tại nhiều vùng cả nước
Saigon Co.op cũng bổ sung vải thiều vào danh mục hàng hóa xuất khẩu thông qua mạng lưới liên kết hợp tác xã trên toàn thế giới, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản Việt có mặt trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại thị trường Singapore và Nhật Bản.

Vải thiều Lục Ngạn cũng được thị trường Trung Quốc đón nhận dù đang cố gắng trồng vải tại một số vùng ở Trung Quốc nhưng chất lượng không thể so sánh. Trung Quốc là thị trường chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu vải của huyện Lục Ngạn. Ngoài ra, vải thiều còn được xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89ha đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, vấn đề quan trọng trong khâu tiêu thụ là công tác vận chuyển, logistics do trái vải được trồng, thu hoạch và bảo quản theo phương pháp hữu cơ nân cần rút ngắn thời gian đến tay người tiêu dùng.
Nhờ kiểm soát tốt chất lượng và chi phí, thực hiện đầy đủ các công đoạn để xử lý, đóng gói đúng kỹ thuật và dán tem, nhãn trước khi đưa đi tiêu thụ nên trái vải đặc sản vùng Lục Ngạn về tới các siêu thị và chợ ở TP.HCM vẫn giữ được độ tươi ngon với mức giá không chênh lệch nhiều.
Cường Thành

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN