Tìm ra 'thủ phạm' liên quan vụ 367 người ngộ độc Cơm gà ở Nha Trang

Kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, bệnh phẩm tại quán gà Trâm Anh (TP Nha Trang) xác định mẫu gà xé, cơm chan sốt trứng, hành phi, dưa chua bị nhiễm khuẩn...
Tối 18/3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa công bố thông tin ban đầu kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang đưa ra sau quá trình xét nghiệm kéo dài 5 ngày đối với 19 mẫu thực phẩm, mẫu nước, mẫu bệnh phẩm và mẫu trên bàn tay một nhân viên nữ.
Những mẫu này được lấy vào hai ngày 13/3 và 15/3, liên quan đến vụ 367 người ngộ độc sau ăn quán cơm gà Trâm Anh (số 10 Bà Triệu, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Tim ra 'thu pham' lien quan vu 367 nguoi ngo doc Com ga o Nha Trang
Phát hiện nhiều vi khuẩn gây bệnh trong các mẫu bệnh phẩm liên quan vụ ngộ độc tại cơm gà Trâm Anh.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, đối với mẫu cơm gà còn lại tại hộ gia đình P.Th.T (trú Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang, người nhà bệnh nhân Đ.H.T.A) mua cơm vào 17h ngày 12/3, được bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh của gia đình phát hiện vi khuẩn Salmonella spp và vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cơm gà chan sốt trứng; Vi khuẩn Salmonella spp, vi khuẩn Bacillus cereus (1,6 x 105CFU/g) và vi khuẩn Staphylococcus aureus (2,9 x 103CFU/g) trong mẫu gà xé. Trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân H.C.H, dương tính với vi khuẩn Salmonella spp.
Kết quả các mẫu hành phi có vi khuẩn Salmonella spp (1,1 x 102MPN/g), trong mẫu rau dưa chua phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus (2,3 x 101CFU/g) và vi khuẩn Escherichia coli (9,0 x 101CFU/100ml).
Phát hiện vi khuẩn Escherichia coli (3,2 x 101CFU/100ml) và vi khuẩn Coliform (7,6 x 101CFU/100ml) trong mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến.
Phát hiện vi khuẩn Escherichia coli (9,6 x 101CFU/100ml), vi khuẩn Coliform (1,2 x 104CFU/100ml) và vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa(2,8 x 102 CFU/100ml) trong mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ.
Đối với mẫu từ tay một nhân viên của quán là L.Th.B.L dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng).
Salmonella là độc tố thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm, lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm. Khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường qua thức ăn, lây lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác gây nhiễm trùng, nhiễm độc.
Dấu hiệu khởi phát khi nhiễm khuẩn độc là nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Còn Bacillus cereus là loại vi khuẩn gram dương, xuất hiện trong tự nhiên như đất, cây cỏ và đặc biệt là trong thực phẩm, thức ăn qua đêm hay trữ lạnh lâu. Nó được xem là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu sau Samonella.
Chúng còn có độc tố Hemolysin, Phospholipase và Protease gây hoại tử mô, thậm chí tổn thương cơ quan. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.
Staphylococcus là các cầu khuẩn gram-dương, thường có mặt trên cơ thể người (chủ yếu ở da, mũi) gây ra nhiễm khuẩn trong các loài tụ cầu.
Phạm Giang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN