Nhiều bác sĩ sai phạm hành nghề tại TP HCM: Cần xử phạt nghiêm

Sáu bác sĩ ở phòng khám tư vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, vì sai phạm liên quan hồ sơ bệnh án. 
Trong danh sách xử phạt vi phạm hành chính của bộ phận khám chữa bệnh từ ngày 21/7 đến ngày 24/7, Thanh tra Sở Y tế TP HCM tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thời hạn 2 tháng đối với các bác sĩ: Phạm Thị Thanh Thủy (Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu, quận 5), Trương Quang Thái, Ngô Quang Huy, Phạm Anh Tuấn (Phòng khám Đa khoa Nam Việt, quận 10), Chung Quang Huy và Phạm Trung Hòa (Phòng khám Đa khoa Đại Việt, quận 11).
Theo Thanh tra sở Y tế TP HCM, các bác sĩ trên đã lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Ngoài bị tước chứng chỉ hành nghề 2 tháng, mỗi bác sĩ bị phạt 2 triệu đồng.
Cũng theo Thanh tra Sở Y tế, ngoài các bác sĩ nêu trên, một số phòng khám cũng có sai phạm, bị xử phạt. Trong đó, đơn vị bị phạt nhiều nhất là 103 triệu đồng.
Cụ thể, Phòng khám Đa khoa Đại Việt (địa chỉ 1503-1505-1507-1509 đường 3/2, phường 16, quận 11) bị phạt 4 triệu đồng vì không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật về sổ khám bệnh.
Nhieu bac si sai pham hanh nghe tai TP HCM: Can xu phat nghiem
 Phòng khám đa khoa Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM) bị phạt 36 triệu đồng và phải gỡ bỏ các quảng cáo sai phạm
Phòng khám Đa khoa Văn Kiệt (646-648 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5) niêm yết giá khám, chữa bệnh không đầy đủ, không đăng ký người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, nên bị phạt 12 triệu đồng.
Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu (80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5) bị phát hiện nhiều sai phạm, như không đeo biển tên, người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. Tổng hợp các sai phạm, phòng khám này bị phạt 38,7 triệu đồng, buộc tháo gỡ quảng cáo trái pháp luật.
Một đơn vị khác bị phạt 103 triệu đồng là Công ty TNHH Đầu tư Y khoa Sài Gòn (Phòng khám Chuyên khoa Thẩm mỹ, 98 Hoàng Trọng Mậu, phường Tân Hưng, quận 7). Đơn vị này có các sai phạm: Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Ngoài bị phạt tiền, phòng khám trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng với người chịu trách nhiệm chuyên môn và buộc tháo gỡ các quảng cáo sai phạm.
Xử phạt nghiêm là rất cần thiết
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Duy Thế, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện 175 TP HCM, phân tích hồ sơ bệnh án là tài liệu quan trọng trong quy trình khám, chữa bệnh, được Bộ Y tế quy định nghiêm ngặt. Nó có thể nói là quan trọng nhất về mặt pháp lý với bệnh nhân. 
Hồ sơ bệnh án phải cập nhật đầy đủ, từ bệnh sử, tiền sử, những triệu chứng khi nhập viện, tất cả phương án đã điều trị cho bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm, hội chẩn, kỹ thuật áp dụng… Vì thế, nó như cuốn sổ nhật ký y tế trong chữa bệnh, cứu người, có tính pháp lý. Khi có vấn đề xảy ra liên quan bệnh nhân, cơ quan pháp luật căn cứ đó để xử lý, giải quyết. 
Nhieu bac si sai pham hanh nghe tai TP HCM: Can xu phat nghiem-Hinh-2

Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5) – nơi quảng cáo có Chuyên khoa lạ lùng: “Chuyên khoa đình chỉ thai kỳ” 

“Có thể nói, việc sai phạm liên quan hồ sơ bệnh án làm ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của bệnh nhân. Do vậy, việc xử phạt nghiêm là rất cần thiết”, bác sĩ Thế nhấn mạnh.
Về hình phạt tước chứng chỉ hành nghề, cũng theo bác sĩ Thế,  xử lý phải đúng và nghiêm minh, đủ sức răn đe, vì nghề này liên quan tính mạng con người. Với 30 năm hành nghề y, bác sĩ Thế cho rằng, bác sĩ bị tước chứng chỉ hành nghề là bị phạt nặng, có thể ví như cầu thủ bóng đá bị truất quyền thi đấu, “treo giò”. Nhưng phạt là cần thiết vì công việc của bác sĩ liên quan trực tiếp tính mạng người bệnh. 
Hoạt động của cơ sở y tế có bác sĩ bị tước chứng chỉ hành nghề cũng cần được giám sát. Nếu tiếp tục cho những bác sĩ này làm việc, cơ sở đó đã sai phạm. Tất cả vì quyền lợi bệnh nhân.
Liên quan vấn đề này, luật sư Việt Vương - Công ty Luật MMT & Partners - khẳng định, chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh là một trong những điều kiện để bác sĩ hành nghề. Luật sư Vương dẫn khoản 4, khoản 6, Điều 2, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009, quy định: “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của luật này.”
“Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề)”.
Việc bác sĩ có tiếp tục sử dụng chứng chỉ hành nghề sau khi hết thời hạn bị xử phạt hay không, sẽ được quy định trong quyết định hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. 
“Tuỳ từng hành vi, mức độ vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị áp dụng các mức xử phạt khác nhau tương ứng hành vi vi phạm”, luật sư Vương nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Vương, đối với trường hợp bác sĩ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 29 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009, các bác sĩ có thể làm hồ sơ xin cấp lại chứng chỉ hành nghề, khi đảm bảo được các điều kiện theo quy định pháp luật. 
Cụ thể, bác sĩ phải làm hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Cũng theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, hành vi lập hồ sơ bệnh án không đầy đủ là hành vi vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đến 03 triệu đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Mặc dù thời gian tước chứng chỉ hành nghề chỉ tối đa là 03 tháng nhưng nếu trong khoảng thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề mà các bác sĩ này lại tiếp tục thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ bị xem xét xử phạt theo điểm b Khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Những cá nhân này sẽ bị phạt tiền với mức phạt cao hơn là từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, đồng thời gia tăng thời hạn tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề lên mức 22 tháng đến 24 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Bên cạnh đó, cơ sở khám chữa bệnh sử dụng người hành nghề đang trong thời hạn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề cũng sẽ bị xem xét xử phạt theo điểm a Khoản 4 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, mức phạt tiền của tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức quy định. Chủ thể vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 02 tháng đến 04 tháng.
Có thể thấy, việc sử dụng nhân sự không có đầy đủ chứng chỉ hành nghề cũng đem lại rủi ro không nhỏ đối với cơ sở khám chữa bệnh nên khi xem xét tuyển dụng các y bác sĩ có tiểu sử từng bị thu hồi giấy phép hành nghề thì các cơ sở đều sẽ dè chừng hơn và khắt khe hơn đối với những cá nhân này.
Những thông tin liên quan đến kinh nghiệm và thời gian hành nghề đều được ghi nhận trên hồ sơ lý lịch của từng cá nhân, mặc dù có trường hợp khai báo gian dối nhưng chỉ cần cơ sở khám chữa bệnh thực hiện rà soát kỹ càng thì có thể nhận thấy có sự sai lệch với thông tin trên hệ thống quản lý y bác sĩ.
Như vậy, việc tước chứng chỉ hành nghề trong 02 tháng không chỉ mang tính chất xử phạt vi phạm mà còn ảnh hưởng đến khả năng hành nghề của các cá nhân vi phạm, các quy định pháp luật cũng có tính chất bổ trợ nhau như đã trình bày ở trên nên các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn, nhiều trường hợp y bác sĩ bị tước chứng chỉ hành nghề quá lâu nên cũng đã buộc phải lựa chọn đổi hướng sự nghiệp sang lĩnh vực khác.
Huyền Nga

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN