Laura Sunshine 'hô biến' mỹ phẩm thành thuốc chữa bệnh?

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Laura Sunshine được quảng cáo trên các website, tài khoản mạng xã hội với công dụng như thuốc chữa bệnh, khiến người tiêu dùng lầm tưởng.

Quảng cáo rầm rộ

Thời gian qua, mạng Internet liên tục xuất hiện thông tin về mỹ phẩm mang thương hiệu Laura Sunshine với quảng cáo “dòng mỹ phẩm cao cấp nguyên liệu thiên nhiên chiết xuất từ thiên nhiên”,“được Bộ Y tế kiểm nghiệm sản phẩm chất lượng cao”, giải quyết được tất cả các vấn đề: Da sần sùi, thô ráp, nếp nhăn, sạm, nám, tàn nhang, mụn viêm, quầng thâm”, “giải pháp chăm sóc da an toàn, phù hợp mọi loại da”... 

Laura Sunshine 'ho bien' my pham thanh thuoc chua benh?
 Quảng cáo “Bộ sản phẩm ‘trong uống ngoài thoa’ điều trị nám - tàn nhang của Laura Sunshine”. Ảnh chụp màn hình.

Điều đáng nói, nhiều website, tài khoản mạng xã hội quảng cáo mỹ phẩm mang thương hiệu Laura Sunshine có công dụng như thuốc chữa bệnh.

Khảo sát ngày 3/11 tại website https://www.laurasunshine.biz cho thấy, sản phẩm “Kem trị mụn Laura Sunshine Laura 20gr” có giá bán 600.000 đồng, được quảng cáo: “Loại bỏ tận gốc các mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đen và mụn trứng cá... Kháng viêm hiệu quả ngăn ngừa mụn tái phát”.

Tương tự, trên website https://www.myphamlaurasunshine.com, sản phẩm “Serum trị nám Laura Sunshine Melasma 50ml” giá 1,8 triệu đồng, “giúp ngăn chặn việc hình thành nám da, đồng thời đẩy lùi những vết nám da cứng đầu mang lại làn da trắng sáng tự nhiên, lâu dài”.

Ngoài sản phẩm “Serum trị nám Laura Sunshine Melasma 50ml”, website https://www.myphamlaurasunshine.com còn quảng cáo sản phẩm “Viên uống trị nám trắng da Laura Sunshine Perfect Skin”, “ Viên uống mọc tóc Laura Sunshine”…

Trong khi đó, trang web có địa chỉ https://laurasunshinevn.com rao bán: “Bộ sản phẩm “trong uống ngoài thoa” điều trị nám - tàn nhang của Laura Sunshine Nhật Kim Anh làm giảm Melanin tối màu, tăng Melanin sáng màu. Hỗ trợ làm đẹp da, sáng da. Ức chế tế bào Melanocytes - Nơi sản sinh Melanin yếu tố gây sạm, nám… Hiệu quả chỉ sau 2 tuần sử dụng”. 

Laura Sunshine 'ho bien' my pham thanh thuoc chua benh?-Hinh-2
 Sản phẩm Kem trị mụn Laura với lời quảng cáo “loại bỏ tận gốc các mụn bọc, mụn mủ…”.

Bẫy khách hàng?

Từng mua sản phẩm của Laura Sunshine, anh Đ.H.D. (ngụ quận 12, TP HCM) cho hay, do con trai trong tuổi dậy thì, da mặt xuất hiện nhiều loại mụn, anh lên mạng Internet tìm sản phẩm trị mụn. Khi mua về, tìm hiểu kỹ trên bao bì, anh phát hiện đó là mỹ phẩm chứ không phải thuốc đặc trị mụn như quảng cáo.

“Tôi rất thất vọng khi đặt nhầm niềm tin vào thương hiệu Laura Sunshine. Mua sản phẩm được quảng cáo ‘Kem trị mụn Laura Sunshine chuyên đặc trị các loại mụn trên da một cách hiệu quả’, nhưng tôi cũng không dám sử dụng, vì mua về mới biết đó là mỹ phẩm, không phải thuốc...", anh Đ.H.D. nói.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, việc quảng cáo và giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm có công dụng giống như thuốc chữa bệnh đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng của sản phẩm.

Cụ thể, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định về quảng cáo mỹ phẩm phải có nội dung sau: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế; đặc biệt, không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm đó là thuốc…

Công văn 1609/QLD-MP của Cục Quản lý Dược - Mỹ phẩm (Bộ Y tế) về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm và công bố tính năng mỹ phẩm cũng nêu rõ: Những từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “trị”, “điều trị”, “đặc trị” đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng, cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.

Theo Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Cao Kiêm - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương - mỹ phẩm không có tác dụng điều trị.

“Quy trình kiểm tra mỹ phẩm không ngặt nghèo như thuốc. Thuốc điều trị có quy trình kiểm tra rất ngặt nghèo, phải từ 10 đến 20 năm mới ra được một loại thuốc. Mỹ phẩm chỉ cần an toàn, nghĩa là không gây tác hại cho người sử dụng”, ông Kiêm nói.

Bác sĩ Phạm Cao Kiêm nhấn mạnh, quảng cáo sử dụng những từ như “chữa trị” hay “điều trị” là sai. Ông khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những mỹ từ quảng cáo về mỹ phẩm. Nếu gặp vấn đề về da liễu, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín để khám, chữa bệnh, điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn luật sư TP HCM), khẳng định, việc quảng cáo mỹ phẩm, ngoài phải tuân thủ điều kiện chung được quy định tại Điều 4, Điều 6, Điều 15 Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế, còn phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012, Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.

Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược. Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

Đồng thời, phải có đầy đủ nội dung gồm: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; những cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác; tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc...

"Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó, các từ như ‘trị’, ‘điều trị’, ‘đặc trị’ không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm theo từng loại sản phẩm, đã được quy định tại Hiệp định Mỹ phẩm Asean; Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm; Công văn 1609/QLD-MP về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm. Như vậy, các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như ‘trị’, ‘điều trị’, ‘chữa trị’, ‘đặc trị’ không được chấp nhận trong việc công bố tính năng, cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm", luật sư Lập nói.

Cũng theo ông Lập, Bộ Y tế đã nêu rõ, đặc tính của mỹ phẩm là tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả không vĩnh viễn và cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả. Những sản phẩm điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là mỹ phẩm.

Do đó, việc sử dụng "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" là đã vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).

"Trường hợp sử dụng các từ như ‘trị’, ‘điều trị’, ‘đặc trị’, khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của Quảng cáo gian dối, được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Để hạn chế tình trạng trên, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh việc cần thiết tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chung tay phản ánh hành vi quảng cáo sai sự thật bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết", luật sư Lập khuyến nghị. 

Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã phát hiện nhiều sai phạm tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm do quảng cáo không đúng quy định, sai về tác dụng sản phẩm, quảng cáo một số mỹ phẩm có tác dụng như thuốc, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.

Cụ thể như: Công ty TNHH Genie Cosmetics; Công ty TNHH EBC Việt Nam với thương hiệu mỹ phẩm White Doctors; Công ty TNHH thương mại Moon, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ - MQ Skin,…

Các đơn vị này đều bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính và buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Hữu Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN