Gia đình 9 người tử vong do ăn hai món quen thuộc

Sau khi ăn bữa mì gạo lên men cùng đồ muối chua nhà tự làm, một gia đình 9 thành viên ở Trung Quốc chết thảm vì ngộ độc thực phẩm. 
Mùa thu và mùa đông là mùa có tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm cao. Để ngăn ngừa hiện tượng này, mọi người cần cẩn trọng hơn trong ăn uống, đặc biệt là các đồ muối chua, thực phẩm lên men.
Mới đây, Tiến sĩ Từ Tiến - Phó giám đốc kiêm nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm vi sinh thuộc Trung tâm Đánh giá Rủi ro An toàn Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc đã trả lời về vấn đề này.
Trên thực tế, rủi ro của thực phẩm lên men tự chế vẫn rất cao. Cách đây không lâu, bi kịch thảm khốc vì ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại huyện Kê Đông, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Tất cả là do một bữa ăn từ đồ muối chua và lên men do gia đình tự làm.
Gia dinh 9 nguoi tu vong do an hai mon quen thuoc
Ảnh minh hoạ. 
Cụ thể, ngày hôm đó, gia đình 9 người tổ chức liên hoan. Trong bữa ăn, 9 thành viên trong gia đình cùng dùng món canh chua và món mì gạo lên men đã trữ trong tủ đông cả năm.
Được biết, mì gạo lên men là món ăn quen thuộc tại Trung Quốc. Nó dùng bột ngô, cao lương, gạo, ngâm trong nước từ 3 đến 10 ngày để lên men. Sau đó, bột được vắt thành sợi, phơi khô và nấu sôi cùng nước.
Sau khi ăn xong, cả 9 người đều có dấu hiệu ngộ độc. Khi tới được bệnh viện, tình trạng ngộ độc đã quá nặng, cả 9 thành viên trong gia đình này đều tử vong.
Trong trường hợp này, vi khuẩn Pseudomonas làm nhiễm độc món canh chua. Axit mycolic trong vi khuẩn này là một axit béo phân tử nhỏ, có khả năng chịu nhiệt mạnh, dù được đun trong nước sôi 100℃ hay hấp trong nồi áp suất, độc tính của nó vẫn không thể bị phá hủy.
Thực phẩm gây ngộ độc chủ yếu là sản phẩm bột ngô lên men, nấm trắng hư hỏng và một số sản phẩm tinh bột hỏng như gạo nếp, kê, cao lương, bột khoai và các sản phẩm khác.
Các triệu chứng ngộ độc bao gồm khó chịu, buồn nôn, nôn, đau bụng nhẹ và tiêu chảy. Trong trường hợp nặng, nạn nhân vàng da, gan trướng, nôn mửa, không khống chế được chân tay, có thể bị sốc rồi tử vong.
Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu đối với vi khuẩn này, một khi đã bị ngộ độc thì tỷ lệ tử vong rất cao, thường lên tới 40% -100%.
Để phòng ngừa ngộ độc, tốt nhất không nên ăn các loại thực phẩm phải lên men hoặc ủ, ngâm lâu ngày. Khi có dấu hiệu ngộ độc lập tức phải dừng ăn và đến bệnh viện ngay để được can thiệp kịp thời. 

Mời quý độc giả xem thêm video: Hướng dẫn xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà. Nguồn video: Vinmec.

Kiều Dụ (Theo SH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN