Chuyển hồ sơ vi phạm về thuế của Asanzo cho công an

Cục thuế TP HCM đã ký quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo cho Công an TP. HCM và Bộ Công an.

Theo Cục Thuế TP HCM, đơn vị này đã dựa vào các quy định của Bộ Tài chính, Luật xử lý vi phạm hành chính và căn cứ vào Biên bản thanh tra thuế ký ngày 7/10/2019 tại Công ty Asanzo (đường Lê Đại Hành, quận 11) để chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của công ty này đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) – Công an TPHCM để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hồ sơ, tài liệu vụ vi phạm được chuyển gồm Kết luận thanh tra số 650 của Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, Quyết định xử lý số 5286 của Cục trưởng Cục Thuế TPHCM và nhiều tài liệu, hồ sơ khác.

“Trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cơ quan điều tra thông báo cho cơ quan thuế để thu hồi quyết định phạt vi phạm hành chính về thuế”, quyết định của Cục Thuế TP HCM nêu rõ.

Chuyen ho so vi pham ve thue cua Asanzo cho cong an
 Văn bản của Cục thuế TP.HCM về việc chuyển hồ sơ của Asanzo qua Công an để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 30/8, Asanzo đã đăng tải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng. 

Công ty này mong muốn sớm có một kết luận thanh tra, kiểm tra chính thức để trở lại hoạt động bình thường.

Ngày 5/9, Tổng cục Hải quan cho biết, đã tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh liên quan đến Tập đoàn Asanzo.

Xác minh cho thấy, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua linh kiện, hàng hóa với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Tuy nhiên, hiện hầu hết các công ty trên đã bỏ trốn, hoặc không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh hoặc ngừng hoạt động. 

Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Điều tra của báo Tuổi trẻ cũng cho thấy, Asanzo không sản xuất một mẩu linh kiện nào mà nhập toàn bộ từ Trung Quốc.

Còn theo ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch công ty này cho biết, Asanzo gom tất cả linh kiện của những nhà cung cấp để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó có những linh kiện nhập từ nước ngoài và cũng có những nhà cung cấp phụ trợ khác như phần nhựa, giấy, bao bì, loa, dây nguồn...

"Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất", ông Tam nói.

Về việc Asanzo quảng cáo "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", người đứng đầu tập đoàn này khẳng định không sản xuất tivi dựa theo dây chuyền của Nhật Bản, mà là lắp ráp theo quy trình của công ty Nhật Bản. "Không phải linh kiện đó phải từ Nhật Bản mới gọi là công nghệ Nhật Bản. Công nghệ ở đây là công nghệ kiểm soát, kiểm định những tác hại cho người tiêu dùng", ông Tam phân tích.

 

Viết Dũng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN