Vì sao lợi nhuận sau thuế quý 1 của Sacombank đi lùi?

Lãi thuần từ hoạt động khác lao dốc 77% cùng với chi phí hoạt động tăng 10% khiến lợi nhuận sau thuế quý 1 của Sacombank sụt giảm 7% so cùng kỳ.

Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) đạt gần 2,840 tỷ đồng, tăng 16%.

Hoạt động dịch vụ cũng đem về khoản lãi hơn 721 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về khoản lãi gần 233 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.

Ngược lại, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và lãi từ hoạt động khác giảm 21% và 77%, chỉ còn 18 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.

Vi sao loi nhuan sau thue quy 1 cua Sacombank di lui?
 

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 21% so với cùng kỳ lên mức gần 2,478 tỷ đồng. Chi phí cho nhân viên của Ngân hàng tăng 10% so với cùng kỳ (1,279 tỷ đồng), chi phí dự phòng phải thu (không tính CPDP rủi ro tín dụng nội, ngoại bảng, CPDP giảm giá chứng khoán) ghi nhận gần 304 tỷ đồng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập gần 1.5 tỷ đồng.

Kỳ này, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 418 tỷ đồng. 

Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng đạt 988 tỷ đồng và 786 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3/2020, tổng tài sản của Sacombank tăng nhẹ 1% so với đầu năm lên mức 459,076 tỷ đồng, nguyên nhân do các khoản lãi, phí phải thu (giảm 4%), các khoản phải thu (giảm 8%), tài sản có khác (giảm 7%) đều giảm. Lợi nhuận chưa phân phối tăng 14% so với đầu năm, đạt 6,152 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của Sacombank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, đạt 306,299 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 1% so với đầu năm, đạt 405,709 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2020, tổng nợ xấu của Sacombank tăng 5% so với đầu năm lên mức 6,047 tỷ đồng, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 40%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 5%.

Do đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng nhẹ lên 1.97% so với mức 1.94% hồi đầu năm.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN