Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lỗ khủng 2.330 tỷ đồng do giá dầu lao dốc

Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lỗ ròng quý 1/2020 tới 2.330 tỷ đồng do ảnh hưởng của loạt yếu tố về giá dầu cũng như đại dịch COVID-19.

CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu thuần sụt 22% về còn 17.991 tỷ đồng. 

Do kinh doanh dưới giá vốn khi giá vốn ngốn tới 19.982 tỷ đồng, khiến BSR lỗ gộp gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gộp 856 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, BSR lỗ ròng 2.330 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 608 tỷ đồng. Tương ứng lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) âm 725 đồng. 

Tại thời điểm cuối quý 1/2020, tổng tài sản của BSR là 47.628 tỷ đồng, tức giảm 5.955 tỷ đồng so đầu kỳ. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt chiếtm 3.617 tỷ đồng và 4.790 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng gần 14% lên mức 9.128 tỷ đồng.

Loc hoa dau Binh Son bao lo khung 2.330 ty dong do gia dau lao doc
 Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Theo giải trình của BSR, quý 1/2020 giá dầu thô bắt đầu giảm mạnh từ 67,02 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,83 USD/thùng bình quân tháng 3/2020, tức giảm 47%. 

Với đặc thù về sản xuất, nhà máy phải duy trì một lượng dầu thô và cần thờ gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm bán. Điều này dẫn đến việc khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường. 

Đồng thời, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh quý 1/2020 của công ty giảm mạnh. 

Ngoài ra, trong thời gian này BSR ngoài việc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm sâu thì còn chịu tác động bởi dịch COVID-19. 

Theo Chủ tịch BSR Nguyễn Văn Hội, nhu cầu tiêu thụ xăng trong nước giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai NMLD Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn cộng khoảng hơn 1,63 triệu tấn nhập khẩu nên dư cung khoảng 35%.

Điều này gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu và có nguy cơ dừng nhà máy. Có những thời điểm, tồn kho của NMLD Dung Quất trên mức 90%, buộc BSR phải gửi hàng tại các kho chứa nhằm duy trì nhà máy vận hành an toàn, liên tục.

Bên cạnh tác động của dịch bệnh Covid-19, các NMLD trên thế giới nói chung và BSR nói riêng còn chịu sự tác động của giá dầu lao dốc không phanh khi Nga và OPEC không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng.

Dầu thô được mua từ trước với giá cao, sản phẩm chế biến ra không bán được do nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến tồn kho sản phẩm tăng nên khi giá dầu lao dốc, BSR đã bị tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (crack margin) bị thu hẹp rất nhiều, thậm chí nhiều thời điểm giá các sản phẩm xăng dầu thấp hơn giá dầu thô nguyên liệu, đặc biệt giai đoạn từ nửa cuối tháng 2/2020 đến nay, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty càng giảm mạnh.

Đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch triển khai công tác bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất. BSR phải lùi thời gian bảo trì lần 4, ngày dự kiến triển khai mới là 27/7/2020 đến 16/9/2020. 

Trước những khó khăn đó, BSR đã kiến nghị Chính phủ tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh để hỗ trợ sản xuất trong nước và ổn định thị trường. Hỗ trợ các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn giảm giãn các loại thuế. Kiến nghị xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu...

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN