Vì sao IFC rút vốn khỏi Vietinbank?

Nhóm nhà đầu tư ngoại IFC đã bán ra gần 56 triệu cổ phiếu CTG của Vietinbank và chính thức không còn là cổ đông lớn tại đây.

Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ đầu tư cấp vốn (IFC Capitalization Fund) đã bán tổng cộng hơn 55,7 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu của hai tổ chức này tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) từ gần 6,5% xuống mức 4,99%.

Trong đó, IFC giảm nắm giữ từ 2,145% xuống 1,636%, tương đương 60,9 triệu cổ phiếu; còn IFC Capitalization Equity Fund từ 4,341% còn 3,354%, tương đương gần 124,86 triệu cổ phiếu.

Giao dịch trên được thực hiện ngày 8/1, nhóm cổ đông IFC chỉ còn nắm gần 186 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank. Trước đó trong phiên giao dịch 8/1, hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thoả thuận với tổng giá trị hơn 1.140 tỷ đồng. Theo đó, số cổ phiếu CTG được thoả thuận với giá trung bình 20.500 đồng/cp.

Vi sao IFC rut von khoi Vietinbank?
 

Nhóm IFC đầu tư vào VietinBank từ năm 2011, sau khi mua 168 triệu cổ phiếu với giá ban đầu là 21.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục mua thêm gần 34 triệu cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp.

2 năm sau, IFC tiếp tục nâng sở hữu lên gần 299 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng.

Như vậy sau gần 9 năm đầu tư, IFC đã không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng Vietinbank.

Thực tế, IFC đã có ý định thoái bớt vốn khỏi VietinBank hồi năm 2018 và đã làm việc với nhà tư vấn về việc bán 8% cổ phần nắm giữ tại ngân hàng.

Sau đó, nhóm này đã bán hơn 57,4 triệu cổ phiếu CTG giảm sở hữu từ 8% xuống 6,486% vốn.

Như vậy, sau khi nhóm IFC thoái vốn, VietinBank chỉ còn 2 cổ đông lớn là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm 64,46% vốn và The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ giữ 19,73% vốn.

Trong phiên sáng 14/1, cổ phiếu CTG đang giao dịch quanh mức 23.650 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 15% trong vòng 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch bình quân khá cao với 3,8 triệu đơn vị mỗi phiên.

Về tình hình kinh doanh của Vietinbank, năm 2019, lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 83% so với năm trước và vượt 26% kế hoạch năm. Dư nợ tín dụng đạt 952.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm trước. Huy động từ cá nhân và tổ chức kinh tế đạt 892.000 tỷ đồng, tăng 8% so với 2018.

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,2%, giảm so với mức 1,59% của cuối năm 2018. Tỷ lệ bao nợ xấu đạt 120%, tăng từ mức 93% so với cuối năm 2018. 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN