Vì sao Habeco báo lỗ nặng nhất từ trước tới nay?

Habeco ghi nhận một quý bi thảm nhất từ trước tới nay khi lỗ gần 72 tỷ đồng trong quý 1/2020 dưới áp lực của 2 "gọng kìm" Nghị định 100 và Covid-19.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu đạt gần 774 tỷ đồng, giảm 50,5% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp giảm 55,6%, xuống 148,3 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng giảm từ 21,3% của cùng kỳ xuống còn 19,2% do giá vốn hàng bán giảm ít hơn so với doanh thu. 
Vi sao Habeco bao lo nang nhat tu truoc toi nay?
 
Trong kỳ, doanh thu tài chính chỉ mang về cho Habeco hơn 29 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ do lãi tiền gửi và tiền cho vay giảm. 
Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,2% lên 81 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính khi giảm 26,7% do áp lực lãi vay giảm; chi phí bốc xếp vận chuyển hàng hoá giảm gần 63% đã giúp chi phí bán hàng ở mức 184,5 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ.  
Sau khi trừ hết các loại chi phí, Habeco lỗ ròng gần 72 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 98 tỷ đồng. Đây là kết quả bi thảm nhất của Habeco từ trước tới nay (quý 4/2016 chỉ lỗ gần 19 tỷ).
Habeco cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc thua lỗ trong quý 1/2020 do công ty chịu ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia và đại dịch cúm Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ sụt giảm so cùng kỳ.
Tại ngày 31/3, Habeco có tổng tài sản là 6.828 tỷ đồng, giảm 12% so với số đầu kỳ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 870 tỷ đồng xuống còn 427 tỷ đồng.
Đồng thời, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng giảm 181 tỷ đồng xuống 1.390 tỷ đồng.
Ngược lại, hàng tồn kho tăng gần 18% lên mức 751,5 tỷ đồng, do tăng ở công cụ, dụng cụ và thành phẩm, trong khi nguyên vật liệu giảm.  
Về nợ vay tài chính, Habeco có 261 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, giảm 22% so với đầu kỳ; vay dài hạn không thay đổi, vẫn duy trì ở mức 133,4 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN