Triển vọng thế giới 2024: Khi nào lãi suất sẽ quay đầu và mức giảm là bao nhiêu?

MBS dự báo Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm 2024.
Đánh giá về triển vọng thế giới, Chứng khoán MBS cho rằng câu hỏi của năm 2024 là "Khi nào lãi suất sẽ quay đầu và mức giảm là bao nhiêu?".
Dự báo Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm 2024
Cuộc chiến chống lạm phát đang đổi chiều theo hướng có lợi cho NHTW các nước nhờ giá năng lượng hạ nhiệt cũng như chuỗi cung ứng cải thiện dẫn đến giá cả hàng hóa quay trở lại mặt bằng hợp lý. Trung bình giá dầu năm 2023 ở mức 82US$/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 101US$ của năm 2022.
Đồng thời, các nút thắt của chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu chất bán dẫn đã được tháo gỡ trong năm 2023, đây được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến giá cả hàng hóa leo thang trong giai đoạn 2021 – 2022.
Vì vậy, tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức đỉnh 9,1% của năm 2022 xuống còn 3,1% trong tháng 11/2023 và đang có khả năng giảm hơn nữa khi chỉ số giá nhà vẫn đang trên đà giảm tốc.
Tại khu vực đồng Euro, lạm phát đã xuống mức dưới 3% trong từ tháng 10 và tại Anh, lạm phát đã rơi xuống mức 4,6% trong tháng 10, đây là mức thấp nhất trong hai năm gần đây.
Lạm phát hạ nhiệt cho phép các NHTW chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và dần chuyển dịch từ chính sách thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Lãi suất sẽ hạ từ khi nào và mức giảm sẽ là bao nhiêu?
Trong kỳ họp ngày 13/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Trong lịch sử chu kỳ tăng lãi suất của Fed, khoảng thời gian bình quân từ lần tăng cuối cùng đến lần giảm đầu tiên là 8 tháng.
Vì vậy thị trường tài chính thậm chí đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ tháng 3/24 với tổng mức giảm 150 điểm cơ bản trong năm 2024. Tuy nhiên MBS cho rằng trong bối cảnh giá năng lượng vẫn còn khó đoán định, giá lương thực thực phẩm vẫn có xu hướng tăng trong năm 2024 do sản lượng thấp, do đó lạm phát của Mỹ vẫn đang cách khá xa mục tiêu dài hạn 2% của Fed.
Bên cạnh đó, chu kỳ đầu tư chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu “zero-carbon” và đầu tư công nghệ mới vẫn đang tạo áp lực lên chi phí vốn. Do đó lãi suất sẽ khó hạ nhiệt nhanh trong năm 2024. MBS dự báo Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm 2024.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua song triển vọng không quá lạc quan
Hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, kinh tế thế giới đã qua giai đoạn khó khăn nhất song tác động của chu kỳ thắt chặt tiền tệ, bất ổn địa chính trị, chính sách bảo hộ Thương mại sẽ vẫn phủ bóng lên triển vọng năm 2024. Kinh tế thế giới 2024 dự báo sẽ tăng trưởng trong khoảng 2,6 – 2,7%, thấp hơn mức 2,9% của năm 2023.
Trien vong the gioi 2024: Khi nao lai suat se quay dau va muc giam la bao nhieu?-Hinh-3
 Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới của một số tổ chức
Mỹ: Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm 2024, chính sách tiền tệ đứng trước bước ngoặt đảo chiều
Nền kinh tế lớn nhất thế giới, bước vào năm 2024 với vị thế ổn định hơn so với các dự báo ban đầu với hơn 239 nghìn việc làm mới mỗi tháng, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức ổn định bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt, tỷ lệ lạm phát đang trên đà giảm tốc.
Bên cạnh đó, năm 2024 có thể là năm bản lề khi một số chính sách quan trọng của Chính phủ Tổng thống John Biden phát huy tác dụng, như Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở Hạ tầng lưỡng đảng năm 2021 và Đạo luật giảm Lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS năm 2022, dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong thời gian tới.
Chính sách tiền tệ nước này đứng trước bước ngoặt đảo chiều khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp vào giữa tháng 12/23 rằng kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng mức giảm mỗi lần là 75 điểm cơ bản.
Mặc dù, gần như Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái song dự báo tăng trưởng năm 2024 chỉ ở mức 1,5%, thấp hơn năm 2023, chủ yếu do tác động của việc lãi suất vẫn neo cao, gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Một vài số liệu kinh tế khác cũng cho thấy xu hướng phục hồi vẫn còn khó khăn, chẳng hạn như: Chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 48,2 vào tháng 12/23, mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Vì vậy, hiện vẫn còn khá nhiều bất đồng trong dự báo triển vọng của kinh tế Mỹ năm 2024, chủ yếu xoay quanh vấn đề là liệu lạm phát sẽ giảm xuống mức bao nhiêu và cắt giảm lãi suất bao nhiêu là hợp lý nhằm vực dậy nền kinh tế.
Trung Quốc: Triển vọng khả quan hơn nhờ các chính sách ưu tiên thúc đẩy kinh tế
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi sau nhiều cú sốc, bao gồm đại dịch Covid-19, nhưng đà phục hồi này vẫn "mong manh" do sự suy yếu của thị trường bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng chưa phục hồi.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc công bố ngày 12/12, GDP của nước này sẽ tăng khảong 5,6% trong quý 4 và khoảng 5,3% năm 2023, cao hơn mục tiêu dự kiến khoảng 5% cho cả năm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc sau khi cải thiện đôi chút trong tháng 9/23, lại liên tục thu hẹp trong tháng 10 và tháng 11, xuất khẩu của nước này trong tháng 10 giảm 6,4% so với một năm trước đó xuống còn 274,8 tỷ USD, ghi nhận tháng thứ 6 liên tiếp suy giảm. Doanh số bán lẻ tháng 11 mặc dù tăng 7,6%, cao hơn so với kỳ vọng, song đà phục hồi vẫn chưa chắc chắn.
Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc “giải cứu” thị trường bất động sản, các số liệu cho thấy các biện pháp này chưa hiệu quả. Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia, giá nhà tiếp tục giảm trong tháng 10/23, mức giảm giá ở một số nơi thậm chí còn được xem là nhiều nhất kể từ tháng 10/2020 – khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Một số tín hiệu từ sau Hội Hội nghị Công tác kinh tế trung ương thường niên ngày 11 – 12/12/2023 cho thấy, nước này sẽ ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Điều này cũng cho thấy nước này có thể sẽ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy với thị trường bất động sản đang sụt giảm, nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng và các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đang gặp khó khăn. Đây là hai trong số nhiều thách thức mà Bắc Kinh cần phải giải quyết để khôi phục sức mạnh kinh tế.
Nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc cũng có kế hoạch triển khai lập danh sách 50 doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện nhận khoản vay ngắn hạn không cần đảm bảo của các ngân hàng lớn. Danh sách có thể bao gồm các doanh nghiệp bất động sản lớn như Country Garden, Sino-Ocean, China Vanke. Nếu được phê duyệt, biện pháp hỗ trợ này được coi là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh để ổn định ngành bất động sản, hoàn thiện khoảng 20 triệu căn nhà xây dựng dở dang. Đây là một trong những biện pháp hỗ trợ chưa có tiền lệ trước đây.
Cũng theo Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng 5% trong năm 2024, cao hơn dự báo của IMF (4,2%) và OECD (4,8%).
Theo báo cáo, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng trong năm 2024. Trong ba quý đầu năm 2023, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của người dân đã tăng 5,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP là 5,2%, đảo ngược tình trạng trước đó là tốc độ tăng thu nhập của người dân chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Xu hướng tiêu dùng của người dân trong quý 3 (chi tiêu tiêu dùng chiếm tỷ trọng trong thu nhập khả dụng) là 69,8%, không những tốt hơn cùng kỳ trong thời kỳ dịch bệnh, mà còn tốt hơn trước đại dịch.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN