TP HCM trở thành trung tâm tài chính châu Á: Hiện tại không khả thi

Để TP HCM trở thành trung tâm tài chính Quốc gia cần đáp ứng được 10 tiêu chí, nhưng hiện tại TP này chỉ đáp ứng được 4.

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết để TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kinh tế TP HCM ngày 18/10 vừa qua.

TP HCM đã đáp ứng được 4/10 tiêu chí trở thành trung tâm tài chính quốc gia

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, có 5 mô hình trung tâm tài chính gồm: trung tâm tài chính quốc gia, khu vực, hải ngoại, quốc tế và toàn cầu.

Trước mắt, để TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia cần đáp ứng được 10 tiêu chí. Hiện TP HCM đã đáp ứng được 4 tiêu chí đó là vị trí, danh tiếng, môi trường kinh doanh và mức độ đa dạng sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng.

Còn 6 tiêu chí chưa đạt được, trong đó có 3 điều kiện vô cùng quan trọng đó là tính chuyển đổi đồng Việt Nam, tức tự do chuyển đổi không những trong nước mà cả khu vực. Để làm được việc này, lại liên quan đến thể chế.

Thứ hai là tự do luân chuyển dòng tiền. Tiền vào tiền ra cực kỳ thông suốt.

Thứ ba là cơ sở hạ tầng. “Phố Wall” của Việt Nam nằm ở khu vực Thủ Thiêm. Nhưng khu vực này còn nhiều cản trở và thách thức.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh trạnh, cho rằng, TP HCM cần giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất là tiên phong cải cách, đặc biệt là thể chế, thứ 2 là sáng tạo và thứ 3 là lan tỏa.

Ông cũng tự hỏi, vậy thị trường tài chính có vai trò như thế nào đối với chiến lược của đất nước? Liệu khu vực tài chính này có giải quyết được 1 phần quan trọng của bài toán đó không?

Thị trường tài chính với vai trò tăng trưởng là cực kỳ quan trọng. Trung tâm tài chính trước nhất là huy động vốn. Thứ hai, thị trường tài chính hiện rất tinh xảo, không có lý do gì mà không gắn với câu chuyện sáng tạo.

Thứ ba là thị trường tài chính xanh. Nếu làm được thì độ hấp dẫn không chỉ cho tăng trưởng mà cho tài chính còn cao hơn.

Đi sâu hơn vào thị trường tài chính, ông Dominic Scriven – Chủ tịch của Dragon Capital đánh giá, tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam trên 70% GDP. Trong khi Chính phủ đang có phương án tăng quy mô GDP thêm hơn 20%, như vậy giá trị vốn hóa sẽ giảm xuống khoảng 50%. Như vậy có nhiều vấn đề phải làm.

TP HCM cần định vị nhắm tới dịch vụ tài chính cho tương lai chứ không phải hiện tại.

Mảng tài chính Việt Nam chủ yếu vẫn được dẫn dắt bởi khối ngân hàng. Mặc dù từ năm 2013 khối ngân hàng đã phục hồi lại từ khủng hoảng, nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ còn khó khăn.

Do đó, Việt Nam cần phát triển các công cụ phòng hộ, quỹ phòng hộ. Việc tăng trưởng của mảng này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa Việt Nam cũng như mang những đầu mối kinh doanh của khu vực về Việt Nam.

Ngoài ra, nếu như TP HCM muốn trở thành trung tâm tài chính quốc gia thì cần xem xét vấn đề thu hút nhân sự từ nước ngoài, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

TP HCM tro thanh trung tam tai chinh chau A: Hien tai khong kha thi
 Diễn đàn kinh tế TP HCM năm 2019.

TP HCM trở thành trung tâm tài chính của châu Á có khả thi?

Trước câu hỏi TP HCM là trung tâm tài chính của châu Á có khả thi, ông Dominic cho rằng, nếu nói về FDI, sản xuất, công nghiệp, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã là một trung tâm rồi. Còn nếu nói về tài chính thì chưa đạt được trung tâm tài chính.

Hiện quy mô vốn tự quản lý của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các thị trường không phải là quá lớn. Ông dẫn chứng, hiện tổng vốn tự quản lý tại Việt Nam chỉ 10 tỷ đồng, trong khi Thái Lan là 150 tỷ đồng và Hàn Quốc tới 1.000 tỷ đồng.

“Trung tâm tài chính thì phải có độ lớn, quy mô, thanh khoản. Bởi vì trong giới tài chính có câu nói là ‘dòng vốn thu hút dòng vốn’. Việt Nam còn thiếu những chủ thể về thị trường vốn. Hiện chỉ có những tổ chức như Vietcombank, Techcombank, SSI có quản lý quỹ. Cần có các loại quỹ khác tạo sự đa dạng trong chủ thể, sản phẩm, loại hình và tốc độ hàng đầu hoạt động trên thị trường”, ông nêu quan điểm.

Đặc biệt, Việt Nam cần chú ý đến hệ thống pháp luật. Dubai cho phép nhập toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế vào trung tâm tài chính của họ. Nhưng việc này không khả thi ở Việt Nam.

Ông cũng đề xuất phát triển tài chính xanh, bởi chưa có nước nào đi xa về lĩnh vực này nên đây là cơ hội của Việt Nam.

Đâu là bài học cốt yếu khi phát triển một trung tâm tài chính khu vực?

Nhiều cách thức để biến TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng trước mắt, TP HCM cần có môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách và nhân lực… Đó vẫn là thách thức đối với TP HCM, nhất là chất lượng của thị trường tài chính về độ minh bạch, dòng vốn ra vào…

Vậy đâu là bài học cốt yếu khi phát triển một trung tâm tài chính khu vực để TP HCM có thể điều chỉnh để làm ngay?

Trả lời câu hỏi này, ông Andrew Vallis, thành viên sáng lập Công ty đầu tư Blue KH Investmen (Anh) cho rằng, cần xét ưu điểm chính của TP HCM là gì? Đây là cuộc hành trình chứ không phải là xử lý trong vòng 4-5 năm.

Việt Nam làm tốt trong việc lên kế hoạch cả ngắn, trung và dài hạn dù đôi khi triển khai gặp vài vấn đề. Chìa khóa là phải có kế hoạch chi tiết đề ra những mốc cụ thể ngắn, trung và dài hạn. Đặc biệt phải mang tính thực tế.

Song song cũng xét tới nhu cầu địa phương, công ty ở Việt Nam. Giá trị vốn hóa của TP HCM với các khu vực chỉ mới là tính toán thô sơ, còn hiện các nước như Indonesia, Singapore đã gấp 4-5 lần Việt Nam.

Ngoài ra, cần có nhiều doanh nghiệp lên sàn chứng khoán để tăng tính lưu chuyển cổ phiếu, huy động vốn.

Đồng quan điểm, ông Patrick Tay, Giám đốc tư vấn Công ty PwC Malaysia cho rằng, nên tập trung vào nhu cầu cụ thể của Việt Nam như vốn với cơ sở hạ tầng, vốn cho SMEs, vốn cho hộ gia đình. Câu chuyện của các nước khi phát triển họ đều tập trung vào mảng quan trọng nhất của địa phương từ đó phát triển các dịch vụ hỗ trợ.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN