Tín dụng đến cuối năm 2019 ước tăng 13,7%

Tăng trưởng tín dụng ước đến cuối năm 2019 tăng khoảng 13,5% đến 13,7% và cơ cấu tín dụng chuyển dịch tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 30/12/2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng ngành Ngân hàng đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2019.

Tin dung den cuoi nam 2019 uoc tang 13,7%
 

Thống đốc NHNN cho rằng, trong chính sách điều hành của Chính phủ năm 2019, thành công lớn nhất là sự kiên định, linh hoạt và chủ động căn cứ vào tình hình thực tế và biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới. Theo Thống đốc NHNN, đây là yếu tố then chốt, quyết định cho thành công điều hành chính sách vĩ mô năm 2019.

Về chính sách tiền tệ và hoạt động tài chính - ngân hàng, đã được ghi nhận trong báo cáo của Chính phủ là chính sách tiền tệ đã được hoạch định và thực thi hiệu quả, vừa xử lý được những vấn đề thách thức đặt ra trong ngắn hạn nhưng cũng đảm bảo được các mục tiêu trung và dài hạn về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Trong công tác kiềm chế lạm phát, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện rõ, lạm phát cơ bản trong những năm qua được điều hành trong khoảng 1,4 cho tới dưới 2%/năm. Điều đó cho thấy, chính sách tiền tệ đang được điều hành rất chủ động, linh hoạt và hiệu quả.

Đặc biệt, năm 2019 chúng ta mua lượng lớn ngoại tệ (mua vào 20 tỷ USD, đưa xấp xỉ 500 ngàn tỷ vào nền kinh tế - theo Vneconomy) để tăng dự trữ ngoại hối nhưng NHNN đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện rất nhất quán và giữ được nền tảng ổn định cho nền kinh tế.

Về lãi suất, nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, chủ yếu dựa vào ngành Ngân hàng nên áp lực về vốn rất lớn, trong khi các TCTD đang tập trung xử lý nợ xấu và các yếu tố tình hình quốc tế cũng tác động, gây áp lực tới lãi suất huy động.

Tuy nhiên, trong điều hành của NHNN đã linh hoạt trong việc điều tiết thị trường, thanh khoản của các TCTD nhằm ổn định và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Trên thực tế, lãi suất cho vay của nền kinh tế, đặc biệt là lãi suất cho vay trung, dài hạn và các lĩnh vực ưu tiên đã điều chỉnh giảm 2 lần, hiện lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%/năm. Trong điều hành lãi suất, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu để tăng cường nguồn lực tài chính, qua đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Về tỷ giá và điều hành thị trường ngoại tệ, chúng ta đã đã triển khai rất đúng nhờ đó huy động được nguồn lực ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, tăng niềm tin của thị trường cũng như của các nhà đầu tư vào năng lực thực thi và điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN. Qua đó chúng ta giữ được ổn định tỷ giá, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối cung cầu của thị trường ngoại tệ và đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp.

Về điều hành tín dụng, trong năm 2019 NHNN đã tập trung chỉ đạo các TCTD kiểm soát chất lượng và cơ cấu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng ước đến cuối năm 2019 tăng khoảng 13,5% đến 13,7% và cơ cấu tín dụng chuyển dịch tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như nông nghiệp nông thôn xấp xỉ 2 triệu tỷ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 1,5 triệu tỷ, công nghiệp khoảng 1,5 triệu tỷ...

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN