'Vua' trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 điểm tên những doanh nghiệp nào?

Đầu tư chứng khoán, ngoài kiếm lời từ chênh lệch mua thấp bán cao, nhà đầu tư còn mong ngóng đến khoản cổ tức tiền mặt "khủng" mà doanh nghiệp chi trả. Năm 2019 có hàng chục doanh nghiệp mở hầu bao trả cổ tức cao cho cổ đông.

Trong năm 2019, có tới 1.142 lần doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tất nhiên, đây không phải là cổ tức của riêng năm 2019 mà có doanh nghiệp còn trả cho năm 2017 và đa phần là của năm 2018.

Có tới 37 doanh nghiệp tổng mức chi tiền trả cổ tức trong năm 2019 với tỷ lệ từ 50% trở lên. Trong đó có 9 doanh nghiệp có tổng mức chi trả cổ tức trong năm 2019 từ 100% trở lên, tức 10.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. 

'Vua' tra co tuc bang tien mat nam 2019 diem ten nhung doanh nghiep nao?
 ‘Vua’ cổ tức tiền mặt năm 2019 thuộc về những doanh nghiệp nào?

Cái tên được nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất chính là CTCP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) với tổng tỷ lệ trong 2 lần chi là con số rất khủng 400% cho năm 2018, tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 40.000 đồng. Như vậy, với 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Bến xe Miền Tây đã chi ra 100 tỷ đồng cho việc trả cổ tức năm 2018.

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) là công ty mẹ của WCS với tỷ lệ nắm giữ 51%. Ngoài ra, CTCP Đầu tư Thái Bình cũng sở hữu 10% tại đây.

Lý giải về mức cổ tức khủng này, lãnh đạo WCS cho biết, các năm trước, Công ty giữ lại lợi nhuận là để tham gia đầu tư bến xe mới, tuy nhiên đến hiện tại thì việc triển khai thực hiện vẫn đang phải chờ các thủ tục theo quy định của Nhà nước.

Do đó, với việc nguồn vốn dành cho hoạt động kinh doanh bình thường của WCS trong các năm tiếp theo được đảm bảo, và cũng theo như trao đổi với cổ đông lớn Samco thì công ty quyết định chia cổ tức 100 tỷ đồng của năm 2018. Còn cổ tức năm 2019 dự kiến sẽ không thấp hơn 20%.

Đáng nói, trên thị trường chứng khoán, WCS cũng là cổ phiếu nằm trong top giá cao nhất với 149.000 đồng/cp chốt phiên cận cuối năm (30/12). Còn lợi nhuận doanh nghiệp này mang lại hàng năm dù không cao với vài chục tỷ mỗi năm nhưng tăng trưởng đều đặn và ổn định.

Cũng trả cổ tức cho năm 2018, CTCP Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF) chi trả với tỷ lệ 240%, tức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận tới 24.000 đồng. Như vậy, với 26,58 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VCF chi tới gần 638 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Đây chưa phải là con số khủng nhất mà cổ đông của doanh nghiệp này chạm tới, trước đó, Vinacafé Biên Hòa cũng đã tạo ấn tượng với mức chia cổ tức khủng lên tới 660% bằng tiền mặt trong năm 2017. 

Với con số lợi nhuận rất khả quan của năm 2018 là 637 tỷ đồng, tăng vọt 72% so năm 2017 thì mức cổ tức này là điều dễ hiểu của VCF. Kế hoạch cho năm 2019, VCF đặt mục tiêu doanh thu 3.500 - 3.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 650 - 750 tỷ đồng.

Hiện Công ty TNHH MTV Masan Beverage đang là công ty mẹ sở hữu 98,49% vốn tại VCF. Như vậy, với tỷ lệ chia cổ tức ở trên, Masan Beverage sẽ được hưởng lợi hơn 628 tỷ đồng từ công ty con VCF.

Trên thị trường, cổ phiếu VCF đang tăng 38% trong vòng 1 năm qua khi giao dịch tại mức 178.000 đồng/cp trong phiên 30/12.

CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online, UPCoM: FOC) đứng thứ 3 về tổng mức chỉ trả cổ tức khủng trong năm 2019 với 230% cho năm 2018 và đợt 1/2019, với tổng số tiền 339 tỷ đồng.

Trong đó, mức cổ tức mà FPT Online trả cho cổ đông năm 2018 là 130%, gấp 4 lần kế hoạch đề ra. Đây cũng là mức chi trả cao nhất trong bốn năm gần đây của đơn vị này dù lợi nhuận năm 2018 gần như đi ngang so với năm 2017 tại mức 252 tỷ đồng

Còn năm 2019, FPT Online dự kiến tỷ lệ chia cổ tức theo phương án không thấp hơn 50% (tương đương 5.000 đồng cho mỗi cổ phần). Mức cổ tức này đặt ra dựa trên kế hoạch dự kiến đạt doanh thu 580 tỷ đồng, tăng 8%, với lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, tăng 2%. FPT Online cũng đã tạm ứng đợt 1/2019 với tỷ lệ 10% vào tháng 8/2019.

Cổ đông được hưởng phần nhiều mức cổ tức này của FPT Online chính là công ty mẹ CTCP Viễn thông FPT (59,31%), CTCP FPT (25,04%) và CTCP Dịch vụ dữ liệu công nghệ thông tin Vina (6,96%).

Trên sàn, cổ phiếu FOC đang giao dịch quanh mốc 127.000 đồng/cp, tăng nhẹ hơn 9% trong vòng 1 năm qua.

FPT Online hoạt động chính trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến… Các sản phẩm dịch vụ số của công ty bao gồm triển khai truyền thông cho khách hàng trên các trang báo VnExpress.net, Ngoisao.net, iOne.net...

'Vua' tra co tuc bang tien mat nam 2019 diem ten nhung doanh nghiep nao?-Hinh-2
 Top 37 doanh nghiệp có tổng mức trả cổ tức trên 50% trong năm 2019

Được mệnh danh là “vua” cổ tức, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) tiếp tục mạnh tay chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ tới 200% cho cổ đông. Tuy nhiên, tính riêng số tiền xuất ra trong năm 2019 để trả cho cổ đông thì chỉ là 150% bao gồm đợt 2/2018 (100%) và tạm ứng đợt 1/2019 (50%).

Trước đó, năm 2016, Nam Tân Uyên chi cổ tức 30%, sang năm 2017 tăng gấp đôi lên 60% và năm 2018 là con số khổng lồ nhất với 200%.

Sở dĩ Nam Tân Uyên mạnh tay chi cổ tức lớn trong năm 2018 do lợi nhuận đột biến gần 470 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng thương quyền dự án khu dân cư Nam Tân Uyên.

Còn năm 2019, Nam Tân Uyên đặt mục tiêu sụt giảm hơn do không còn lợi nhuận đột biến với tổng doanh thu đạt 303,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng.

Như vậy, với khối lượng chứng khoán đang lưu hành 16 triệu cổ phiếu, Nam Tân Uyên đã chi ra 240 tỷ đồng trong năm 2019 để trả cổ tức 150% cho cổ đông.

Cũng tương tự như các doanh nghiệp cổ tức khủng khác khi đứng đằng sau chính là những ông lớn như CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) nắm 32,85% và Tập đàon Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 20,42%.

Trên thị trường, NTC là một cổ phiếu ngành khu công nghiệp có mức giá tăng trưởng ấn tượng tới 130% trong 1 năm qua, đạt mức giá 166.900 đồng/cổ trong phiên chiều ngày 30/12.

Đầu tháng 12 vừa qua, CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) đã chốt danh sách cổ đông nhận trả cổ tức lần 3 năm 2018 bằng tiền theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm nguồn quỹ đầu tư phát triển và tăng khoản phải trả cho cổ đông số tiền 81,8 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị số cổ tức này sẽ được chi hết trong năm 2018.

Theo đó, HAD đã trả cổ tức lần 1 với tỷ lệ 80%, lần thứ 2 là 70% và lần thứ 3 với tỷ lệ 54,5%. Như vậy, cộng thêm 15% bổ sung theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức chi trả cổ tức trong năm 2018 của HAD lên tới 219,5%.

Riêng trong năm 2019, HAD chi 139,5% cho 3 đợt còn lại của năm 2018, tương ứng số tiền 55,6 tỷ đồng.

Cổ đông hưởng lợi lớn nhất từ mức cổ tức này của HAD chính là Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) với tỷ lệ sở hữu 55%.

Trên thị trường, mặc dù ghi nhận mức tăng gần 33% trong 1 năm qua nhưng cổ phiếu HAD đang giao dịch tại mức giá khá thấp chỉ 18.800 đồng/cp trong phiên chiều 30/12.

Ngoài ra, còn những cái tên có tổng mức trả cổ tức trên 100% trong năm 2019 như CTCP Khu Công nghiệp Cao su Bình Long (UPCoM: MH3) với 116%, CTCP Công viên nước Đầm Sen (HOSE: DSN) tỷ lệ 101%, CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (UPCoM: HLB) và Tổng Công ty Việt Thắng (HoSE: TVT) cùng 100%.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN