Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Còn dư địa để tiếp tục hạ lãi suất điều hành

Việc hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 là phù hợp với bối cảnh hiện tại và vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành.

Tien sy Nguyen Duc Do: Con du dia de tiep tuc ha lai suat dieu hanh

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính

Sau tin tức hạ lãi suất điều hành lần 4 tính từ đầu năm của NHNN, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đã có những chia sẻ về động thái phù hợp này trong lúc bối cảnh kinh tế đang khó khăn.

Trước tiên, việc hạ lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng giảm bớt được gánh nặng tài chính.

Còn đối với ngân hàng sẽ có những lệch pha nhất định giữa huy động và cho vay. Lãi suất huy động sẽ giảm, còn lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo nhưng có thể sẽ cần độ trễ nhất định. Vì trước đây, các ngân hàng đã huy động lãi suất ở mức cao nên chưa thể giảm giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.

Nhìn chung, chính sách tiền tệ không nên kỳ vọng nhiều trong khía cạnh kích cầu. Bởi vì cầu của Việt Nam đầu tiên là phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, còn cầu thứ hai liên quan nhiều đến một số ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, đồ nội thất…

Khi nào thị trường bất động sản phục hồi thì mới có cầu. Còn việc giảm lãi suất chủ yếu tác động đến việc giảm chi phí doanh nghiệp là chính. Còn kích cầu kinh tế chỉ ở mức tác động vừa phải”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận xét thêm.

Từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ kỳ vọng lãi suất sẽ có thể xuống về bằng mức lúc thời điểm dịch COVID-19 xảy ra. Khi đó, trần lãi suất dưới 6 tháng giảm còn 4%/năm, từ nay đến cuối năm có thể về được mức đó, so với mức 4.75%/năm vừa được hạ. Dư địa giảm lãi suất còn khoảng 0.75% nữa.

Vị chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế nói chung cũng như nhu cầu tín dụng phụ thuộc vào tổng cầu. Nếu xuất khẩu phục hồi được thì cầu tín dụng mới tăng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có sự phục hồi nhất định thì cầu tín dụng sẽ tăng, nhưng 2 yếu tố này chịu tác động bởi yếu tố lãi suất ở mức độ không nhiều.

Trong khi đó, tổng cầu lại phụ thuộc vào chính sách tài khóa, nếu như đầu tư công được đẩy nhanh lên. Thêm vào đó, cầu xuất khẩu tăng lên, thì tín dụng mới tăng mạnh được. Còn thực tế hiện nay, khi doanh nghiệp chưa bán được hàng, thì họ cũng ngại đầu tư, còn ngân hàng cũng ngại chuyện nợ xấu nên hạn chế cho vay.

Nói thêm về triển vọng hồi phục thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng lãi suất hạ thì người mua nhà sẽ tích cực mua nhà hơn. Còn trong thời điểm hiện tại, lãi suất đang giảm, nếu người mua nhà có nhu cầu mua họ có thể đợi lãi suất giảm thêm nữa mới tiếp tục mua. Cho nên, việc giảm lãi suất cũng sẽ có tác động kích cầu bất động sản nhưng không thể hiện ngay lập tức mà sẽ có độ trễ nhất định, khi nào lãi suất hạ đến đáy thì lúc đó cầu mới tăng lên.

NHNN vừa có quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 19/06/2023. Trong đó, có quyết định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0.5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5.0%/năm xuống 4.75%/năm.

Như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp tính từ đầu năm, NHNN giảm lãi suất điều hành. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% về 5.5%/ năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1% về 0.5%/năm. Đến cuối tháng 5, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm tiếp 0.5% xuống 5%/năm.

 

Theo Cát Lam/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN