Thủy hải sản Sài Gòn đặt kế hoạch năm 2020 có lãi dù đang mắc kẹt đống nợ tại Sacombank

Ước tính doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019 vượt kế hoạch đề ra, Thủy hải sản Sài Gòn đề ra kế hoạch kinh doanh tăng 10% cho năm 2020.

Ngày 2/12, Hội đồng quản trị CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (UPCoM: APT) thông qua tờ trình về ước tính kết quả thực hiện được trong năm 2019 và đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2020.

Theo đó, Công ty ước doanh thu thuần trong năm 2019 đạt 305 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 6 triệu USD. Lợi nhuận mà Thủy hải sản Sài Gòn ước tính đạt 4,1 tỷ đồng.

Với kết quả ước tính trên, Công ty dự kiến vượt nhẹ 2% kế hoạch doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2019.

Cho năm 2020, Thủy hải sản Sài Gòn dự kiến doanh thu đạt 335 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu là 6,6 triệu USD, lợi nhuận đạt 4,5 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kế hoạch này đều tăng hơn 10% so với kết quả ước tính của năm 2019.

Được biết, lợi nhuận trên là thuần tuý từ kết quả hoạt động kinh doanh, không tính phần phát sinh lỗ của những năm trước đây, lãi phải trả cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và các khoản trích lập dự phòng và hoàn nhập (nếu có).

Thuy hai san Sai Gon dat ke hoach nam 2020 co lai du dang mac ket dong no tai Sacombank
 APT: Kế hoạch lãi kinh doanh đạt 4,5 tỷ, mắc kẹt đống nợ trăm tỷ tại Sacombank

Trong suốt 10 năm (2008 đến 2018), Thủy hải sản Sài Gòn liên tục báo lỗ. Theo ghi nhận của báo cáo tài chính gần nhất, Công ty báo lỗ gần 30 tỷ đồng trong năm 2018.

Với vốn điều lệ 88 tỷ đồng, tính đến 31/12/2018, lỗ lũy kế của Công ty đã lên tới 628,4 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty đã âm 538,6 tỷ đồng. Bên cạnh vốn chủ sở hữu bị âm, tổng giá trị các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã lên tới 705,4 tỷ đồng, cao hơn tới 604,5 tỷ đồng so với tổng tài sản ngắn hạn.

Chính những khó khăn trên đã dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty từ đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC. Qua đó, khả năng thanh toán các khoản nợ của Thủy hải sản Sài Gòn bị đặt dấu hỏi.

Chủ nợ lớn nhất của Công ty là Sacombank với tổng giá trị các khoản nợ lên tới 635,4 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, Công ty còn phát sinh 2 khoản nợ gốc với Sacombank gồm khoản vay theo Hợp đồng tín dụng ngày 8/1/2009 với hạn mức tín dụng 103 tỷ đồng và lãi suất 12%/năm; khoản vay thứ hai theo Hợp đồng tín dụng ngày 8/1/2009 với hạn mức tín dụng 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 213 tỷ đồng theo giá vàng tại ngày 31/12/2018, lãi suất cho vay 10,8%/năm.

Cũng do không có khả năng trả nợ cho Sacombank trong nhiều năm qua, Công ty cũng đang phải ghi nhận khoản tiền lãi vay phải trả lên đến 318,5 tỷ đồng.

Được biết, các khoản vay này phát sinh từ thời Ngân hàng TMCP Phương Nam, trước khi ngân hàng này được sáp nhập vào Sacombank tháng 10/2015.

Để xử lý khoản nợ vay này, các giải pháp như chuyển nợ vay thành vốn góp, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện việc tái cấu trúc Công ty theo chỉ đạo của UBND TP.HCM mặc dù đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và xây dựng thành các phương án đều không thể thực hiện được do cơ chế pháp lý hiện nay không cho phép.

Hiện Công ty đang đề xuất phương án hai bên cùng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại khoản nợ vay này.

Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận phải trả Sở Tài chính TP.HCM khoản vốn cấp xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Tân Tạo sau khi đã xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa là 11,17 tỷ đồng.

Dù ôm lỗ và nợ khủng nhưng 8,8 triệu cổ phần APT của Công ty chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 7/6. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 2.500 đồng/cp. Mức giá này phần nào phản ánh được tình hình khó khăn của Công ty.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN