SSI Research: Mảng xăng dầu Petrolimex dự kiến lỗ hơn 1,4 nghìn tỷ, lợi nhuận 2022 chạm đáy

SSI Research vừa đưa ra báo cáo phân tích Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) với nhận định lợi nhuận năm 2022 của PLX có thể chạm đáy.
Kế hoạch thoái 40% cổ phần tại PGBank trong nửa đầu năm 2023
Lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 của Petrolimex đạt 313 tỷ đồng, tăng 179% so cùng kỳ. Mảng xăng dầu tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 199 tỷ đồng trong quý.
Mặc dù đã hoàn nhập 899 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho trong quý 3/2022 nhưng lợi nhuận từ mảng xăng dầu vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do giá xăng dầu bình quân giảm 24% trong quý.
Sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước của Petrolimex đạt mức cao kỷ lục là 7,57 tấn trong 3 quý đầu năm năm 2022, tăng 20% so cùng kỳ. Sản lượng bán lẻ tính riêng quý 3 tăng với tỷ lệ cao hơn là 26% so cùng kỳ, đạt mức cao kỷ lục là 1,64 triệu tấn, do công ty giành được thị phần từ các nhà phân phối nhỏ hơn.
Ngoài ra, theo SSI Research, công thức tính giá bán lẻ xăng dầu chưa phản ánh sát thực tế mức tăng chi phí hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Điều này đã dẫn đến việc một số đầu mối và cửa hàng xăng dầu đã phải tạm đóng cửa trong quý 3 và quý 4, sau một thời gian chịu thua lỗ và trong bối cảnh hoạt động tín dụng ngân hàng bị thắt chặt.
Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu thị trường, Petrolimex có nhiệm vụ phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Vì vậy, trong trường hợp thị trường trong nước thiếu hụt nguồn cung, Petrolimex buộc phải tăng sản lượng nhập khẩu với giá cao hơn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Điều này đã gây áp lực lên lợi nhuận của công ty, đặc biệt khi chi phí nhập khẩu và vận chuyển tăng cao trong quý vừa qua.
Theo Văn bản số 1445/UBQLV-CN do CMSC (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp) ban hành ngày 16 tháng 9 năm 2022, Chính phủ dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 75,87% tại Petrolimex đến năm 2025.
Petrolimex có kế hoạch thoái 40% cổ phần tại PGBank (PGB) trong nửa đầu năm 2023, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại PGI ở mức 40,95%. Mặt khác, công ty cũng dự kiến trong vòng 3 năm tới sẽ thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex với giá trị sổ sách là 403 tỷ đồng.
Mảng xăng dầu dự kiến sẽ  lỗ hơn 1,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022
Năm 2022, Petrolimex điều chỉnh giảm 90% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, từ 3,1 nghìn tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Mảng xăng dầu dự kiến sẽ ghi nhận khoản lỗ hơn 1,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 do giá dầu biến động mạnh, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí nhập khẩu cao. Mặt khác, các mảng hoạt động khác của công ty ước tính có thể sẽ mang lại lợi nhuận 1,7 nghìn tỷ đồng.
Petrolimex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế phục hồi lên 3,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2023 và tăng dần lên 3,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2025. Kế hoạch này giả định giá dầu sẽ ở mức trung bình 67 USD/thùng và chưa tính đến các yếu tố khác như nguy cơ bùng phát đại dịch, thay đổi trong công thức tính giá xăng dầu bán lẻ,...
Ban lãnh đạo lưu ý rằng kế hoạch lợi nhuận thấp hơn mức đỉnh năm 2019 là do kể từ năm 2020 Petrolimex không được hưởng khoản chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế từ Hàn Quốc và Đông Nam Á và thuế trong công thức tính giá cơ sở, ước tính khoảng 2 nghìn tỷ đồng như ghi nhận trong năm 2019.
SSI Research: Mang xang dau Petrolimex du kien lo hon 1,4 nghin ty, loi nhuan 2022 cham day
 
Việc điều chỉnh chi phí định mức và premium khi tính giá bán lẻ xăng dầu sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận năm 2023.
Để đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước, Chính phủ đã thực hiện một số thay đổi đối với công thức tính giá bán lẻ.
Vào đầu tháng 10, premium trong nước (chênh lệch giữa số tiền mà các nhà phân phối trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước và giá xăng dầu trung bình trên thế giới) đã tăng lên 350 đồng/lít đối với xăng và 0 đồng/lít đối với dầu diesel, trong khi chi phí vận chuyển định mức từ các nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng nhà phân phối tăng 0~70 đồng/lít trong tháng 10.
Vào ngày 11/11, Chính phủ đã tăng lần lượt 560 đồng và 160 đổi với chi phí nhập khẩu về cảng Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở cho một lít xăng và dầu diesel. Mặc dù việc điều chỉnh chưa hoàn toàn phù hợp với chi phí phân phối ước tính, nhưng điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho các nhà phân phối trong năm tới. Ngoài ra, điều này cũng phản ánh định hướng của Chính phủ nhằm ổn định nguồn cung theo hướng dựa trên thị trường hơn.
SSI Research: Mang xang dau Petrolimex du kien lo hon 1,4 nghin ty, loi nhuan 2022 cham day-Hinh-2
 
Ước lợi nhuận 2023 của Petrolimex phục hồi 260% lên 3,12 nghìn tỷ
Do đó, SSI Research dự báo doanh thu năm 2022 của Petrolimex sẽ tăng 72% so cùng kỳ lên 291 nghìn tỷ đồng, nhờ giá xăng dầu bình quân tăng 3% so cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 21% lên 10,1 triệu tấn (tăng 5,5% so với mức trước covid).
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex dự kiến vẫn giảm 77% so với cùng kỳ xuống 870 tỷ đồng do biên lợi nhuận thu hẹp khi công ty nguyên liệu đầu vào với giá giao ngay.
Năm 2023, SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế Petrolimex sẽ phục hồi 260% lên 3,12 nghìn tỷ đồng nhờ sản lượng bán hàng tăng 3% và tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện sau khi giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh. Dự báo này không tính đến khoản lợi nhuận bất thường từ giao dịch thoái vốn PGBank (PGB).
Khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 35.800 đồng/cp
Cổ phiếu PLX đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 59x và 17x. SSI Research lặp lại khuyến nghị Khả quan đối với cổ phiếu PLX, với giá mục tiêu 1 năm là 35.800 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 20,0x.
Năm nay là một năm PLX phải đối mặt với nhiều bất lợi bất thường, bao gồm việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, giá dầu biến động mạnh, đặc biệt trong quý 2, và việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn gây thiếu hụt nguồn cung trong nước trong giai đoạn quý 3-4, trong khi giá bán lẻ xăng dầu chưa kịp điều chỉnh kịp thời. Hầu hết những yếu tố này được dự báo sẽ thuyên giảm vào năm 2023.
Do đó, việc lợi nhuận của PLX nhiều khả năng phục hồi từ mức đáy trong năm 2022, và việc thoái vốn tại PGB sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong năm tới. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý 4/2022 có thể sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN