Nợ xấu năm 2020 của ngân hàng Eximbank tăng 31%

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB), nhờ giảm các chi phí Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 22% và 24%, đạt 1,340 tỷ đồng và 1,070 tỷ đồng. Tổng nợ xấu cuối năm 2020 tăng 31% so với đầu năm.
Tính riêng trong quý 4, hoạt động kinh doanh của Eximbank không có nhiều tăng trưởng so với cùng kỳ. Ngoại trừ hoạt động chính đem về gần 860 tỷ đồng lãi thuần (+8%) và lãi từ hoạt động dịch vụ hơn 201 tỷ đồng (+50%), thì các hoạt động còn lại đều cho kết quả sụt giảm như lãi từ kinh doanh ngoại hối (-50%), lãi từ mua mua bán chứng khoán đầu tư (-93%)...
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 32% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 400 tỷ đồng, do đó, Eximbank báo lãi trước và sau thuế quý 4 gần 236 tỷ đồng và hơn 199 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.
Lũy kế cả năm 2020, nhờ tiết giảm một số chi phí như chi phí hoạt động (-10%), chi phí dự phòng rủi ro (-3%), Eximbank báo lãi trước và sau thuế tăng 22% và 24% so với năm trước, đạt gần 1,340 tỷ đồng và hơn 1,070 tỷ đồng.
Là nhà băng duy nhất không tổ chức thành công ĐHĐCĐ trong năm vừa qua, nhưng theo kế hoạch 1,318 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra, Eximbank đã hoàn thành chỉ tiêu.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn hơn 160,435 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là cho vay khách hàng giảm 11% (100,767 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN giảm 32% (3,910 tỷ đồng), thế nhưng tiền gửi tại các TCTD khác lại tăng 25% (32,378 tỷ đồng)...
Về phần nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng cũng giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn 133,917 tỷ đồng, tiền gửi của các TCTD khác giảm 30% (5,627 tỷ đồng).
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2020 tăng 31% so với đầu năm, lên mức hơn 2.534 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ gấp 3.3. lần và nợ có khả năng mất vốn gấp 2.3 lần đầu năm. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1.71% lên 2.52%.
Theo PILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN