Những ông lớn có giá cổ phiếu trên 100.000 đồng làm ăn thế nào?

Tính đến cuối tháng 11/2019, trên cả 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM ghi nhận chỉ có 20 cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng/cp.

Trong đó đều là những ông lớn trong ngành và là những thương hiệu rất quen thuộc với hoạt động kinh doanh ổn định như SAB, VNM, VIC, MWG, GAS...

Nhung ong lon co gia co phieu tren 100.000 dong lam an the nao?
 

Mức giá cao nhất hiện nay ghi nhận tại SAB của Sabeco với 230.000 đồng/cp, đây cũng chính là mã chứng khoán duy nhất có giá trên 200.000 đồng.

Mặc dù đây là mức giá ghi nhận giảm 9% trong vòng 1 năm qua nhưng phải công nhận Sabeco từ khi về tay tỷ phú Thái đã có những biến đổi rất lớn trong hoạt động kinh doanh. Kết quả kinh doanh tăng trưởng đều trong những quý vừa qua là minh chứng cho sự lột xác này.

Đáng nói, ThaiBev cũng vừa tiết lộ đang xem xét phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) mảng kinh doanh bia (cả của Việt Nam và Thái Lan) tại thị trường Singapore. Khả năng đây là thương vụ lớn nhất trong gần 1 thập kỷ qua tại thị trường này với giá trị lên tới 10 tỷ USD.

ThaiBev nổi tiếng với sản phẩm bia Chang, đã có mặt ở nhiều quốc gia thuộc khối ASEAN trong đó có Việt Nam. Năm 2017, ThaiBev mua 53,59% vốn Sabeco (HoSE: SAB), đủ quyền chi phối. Song Bộ Công Thương vẫn còn sở hữu 36% vốn, vẫn có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng. Sabeco hiện chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài mảng bia, ThaiBev còn kinh doanh rượu, đồ uống không cồn và thực phẩm. Trong đó, mảng bia và rượu đóng góp gần 90% doanh thu tập đoàn.

Á quân về giá cổ phiếu chính là VCF của Vinacafe Biên Hòa thuộc Masan (MSN) với 183.000 đồng/cổ phiếu.

Do Masan sở hữu chi phối hoàn toàn hơn 98% nên cổ phiếu VCF ít có giao dịch, chỉ vài trăm ngàn đơn vị mỗi phiên, song mức giá này ghi nhận đã tăng 38% trong vòng 1 năm qua. Kết quả kinh doanh của VCF cũng không có gì phải bàn cãi khi đều đặn tăng trưởng trong 3 quý 2019.

Nhung ong lon co gia co phieu tren 100.000 dong lam an the nao?-Hinh-2
 Top 20 cổ phiếu có giá trên 100 ngàn đồng chốt phiên 30/11

Một cổ phiếu trên sàn UPCoM cũng có giá cổ phiếu đình đám tới 169.300 đồng là Khu công nghiệp Nam Tân Uyên với NTC khi tăng vọt tới 152% trong vòng 1 năm qua.

Do đó, cổ đông hưởng lợi lớn nhất từ đà tăng của cổ phiếu NTC chính là CTCP Cao su Phước Hòa (32,85% vốn) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (20,42% vốn).

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của NTC sau quý 4/2018 đột biến tới 325 tỷ đồng thì các quý sau đó đang có dấu hiệu suy giảm từ 70 tỷ (quý 1/2019) xuống 45 tỷ (quý 3/2019).

Bến xe miền Tây với mã WCS cũng lọt top cổ phiếu trăm ngàn thuộc chi phối của Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tài Sài Gòn (51%) và cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Thái Bình (10%) theo ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2018.

WCS đóng cửa phiên cuối tháng 11 tại mức giá 148.200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa khá nhỏ chỉ 370 tỷ đồng, nhưng tăng gần 49% trong vòng 1 năm qua.

 Mặc dù giá cổ phiếu ở vùng cao nhưng tình hình kinh doanh của WCS không có gì đặc sắc khi lợi nhuận đều đều chỉ trong vùng khoảng 16 tỷ đồng mỗi quý.

Cổ phiếu VJC của Vietjet đứng vị trí thứ 5 trong nhóm này khi đạt mức giá 144.900 đồng/cp chốt phiên cuối tháng 11, tức tăng gần 12% trong vòng 1 năm qua.

Dù đã ở mức cao, song Chứng khoán Bản Việt (VCSC) còn nâng giá mục tiêu VJC thêm 2,4% lên 160.700 đồng/cp.

VCSC cũng báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cốt lõi năm 2019 và 2020 của Vietjet đạt 9% và 32% chủ yếu được đóng góp bởi tăng trưởng trong mảng kinh doanh phụ trợ và vận chuyển hành khách quốc tế.

Triển vọng dài hạn của Vietjet sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ ngành hàng không của Việt Nam (IATA dự báo số lượng hành khách hàng không của Việt Nam sẽ tăng với CAGR 7% trong giai đoạn 2015-2035), kế hoạch mở rộng ra quốc tế của công ty, hiệu quả vận hành vượt trội và kiểm soát chi phí ấn tượng. Tuy nhiên, VCSC cũng ghi nhận rủi ro giá tăng từ cạnh tranh gay gắt hơn với số lượng các đối thủ tiềm năng mới gia tăng.

Trong cơ cấu cố đông tại thời điểm cuối năm 2018, Công ty Đầu tư Hướng Dương Sunny nắm giữ lớn nhất tại VJC với 28,57% vốn, tiếp đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 8,76% và Sovico 7,59%.

Trong khi đó, cổ phiếu của đại gia ngành sữa Vinamilk lại giảm hơn 1,5% trong vòng 1 năm qua, hiện ở mức 121.500 đồng/cp.

Theo VCSC, đây là mức giá phù hợp thị trường của Vinamilk dù vẫn tăng giá mục tiêu 5,6%.

Tại P/E năm 2019 dự kiến  là 22,8 lần, VCSC cho rằng định giá của VNM hiện tại đã là khá hợp lý so tốc độ tăng trưởng kép EPS 5% trong giai đoạn dự kiến 2019-2022. 

Việc giá bột sữa tăng gần đây có thế gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp trong năm 2020, dù Vinamilk có thể giảm sức ép thông qua việc tăng giá bán. Thêm vào đó, khả năng thuế suất thực tế của VNM sẽ tăng lên mức 19% trong năm 2022 so với mức 17,5% trong năm 2019 và 15,3% trong năm 2018. Theo VCSC, đây là 1 yếu tố khác làm hạn chế tăng trưởng lợi nhuận của VNM trong những năm tới đây. 

Ông lớn Vingroup (VIC) đang có giá 115.700 đồng/cp, tăng gần 14% trong 1 năm qua. Ngược lại về hoạt động kinh doanh, Vingroup đang có sự sụt giảm mạnh trong quý 3/2019 xuống còn gần 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với các quý liền trước đó đều trên ngàn tỷ đồng.

Hiện cổ đông lớn nhất của VIC chính là Tập đoàn đầu tư Việt Nam với 33,37%, tiếp đến là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng 27,45%.

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu tăng mạnh trong năm qua là MWG với 31% lên mức 109.000 đồng/cp.

Thế giới Di động đang rất được lòng các nhà đầu tư dù kết quả kinh doanh quý 3/2019 sụt giảm so với các quý liền trước nhưng nhiều công ty chứng khoán đánh giá cao tiềm năng của các chuỗi nổi bật trong kinh doanh của MWG như Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, Thegioididong...

Đáng nói, tại MWG, cổ đông lớn nhất tại thời điểm cuối năm 2018 chỉ có nhóm quỹ Vietnam Enterprise Investments với 12,08% và không thấy sự xuất hiện trong cổ đông lớn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài.

GAS của Tổng công ty Khí (PVGas) tăng hơn 15% trong 1 năm qua khi lên 100.500 đồng/cp. Với mức giá này, VCSC vẫn duy trì khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu thêm 6,4% của GAS.

VCSC giảm dự báo lợi nhuận 2020-2025 của GAS trung bình khoảng 16% sau khi điều chỉnh giảm kịch bản cơ sở của giá dầu khoảng 7%.

GAS sẽ hưởng lợi từ nhu cầu khí mạnh tại Việt Nam trong những năm tới. Lợi nhuận dài hạn của công ty được dẫn dắt bởi lợi nhuận cao hơn từ mảng vận chuyển khí, có ảnh hưởng cao hơn mức giảm lợi nhuận từ mảng phân phối khí khi các mỏ khí giá rẻ hết dự trữ.

Do đó, VCSC dự báo lợi nhuận từ mảng vận chuyển sẽ tăng gấp đôi và đóng góp khoảng 70% cho lợi nhuận ròng của GAS vào năm 2025 so với mức khoảng 40% trong năm 2019.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN