Nghề buôn tóc ở Myanmar gặp khó vì nguồn cung khan hiếm

Ngành xuất khẩu tóc lớn nhất thế giới của Myanmar đang đứng trước nguy cơ khan hiếm nguồn hàng khi nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng.
Aye Aye Thein, 55 tuổi, mưu sinh bằng nghề cắt tóc ở chợ Insein, phía bắc Yangon, thành phố lớn nhất tại Myanmar. Nhưng không giống những thợ cắt tóc khác, bà không lấy tiền của khách hàng mà ngược lại, bà trả tiền cho khách.
Myanmar là một trong những nguồn cung cấp tóc lớn nhất thế giới, đáp ứng nhu cầu sản xuất tóc giả, tóc nối, dệt. Số liệu cho thấy giá trị thương mại toàn cầu của mặt hàng tóc đạt 87,4 triệu USD vào năm 2016. Myanmar là nước xuất khẩu lớn thứ 3 sau Ấn Độ và Tunisia.
 Bà Aye Aye Thein buôn tóc tại chợ Insein, Yangon.
Tóc ở Myanmar là mềm nhất và được săn đón nhất ở châu Á”, bà Aye Aye Thein nói. Cửa hiệu của bà nằm xen giữa một hàng rau và hàng bán hạt cau.
Phần lớn những bộ tóc này được chuyển tới Trung Quốc, nơi xử lý và bán chúng cho những nhà tạo mẫu tóc ở phương Tây. Nhưng khi đất nước Myanmar phát triển nhờ mở cửa kinh tế sau hàng chục năm dưới chế độ cai trị quân sự, những người kinh doanh tóc lo ngại rằng càng ngày càng ít phụ nữ từ bỏ mái tóc của họ.
Vào ngày thường, bà Aye Aye Thein cho biết cửa hiệu có khoảng 7-10 khách hàng.
“Nhìn bộ tóc này này! Thật đẹp!” bà cảm thán, trên tay cầm một túm tóc dày. “Nó không dầu, nhưng cũng không khô, không bị đứt gãy mà nhẹ, mượt như tơ”. Sau đó bà chỉ vào phần ngọn, giải thích “tóc phải khỏe, không chẻ ngọn, không xơ rối”.
Mái tóc đáng giá bao nhiêu?
Giá của những bộ tóc phụ thuộc vào chất lượng và cân nặng. Đơn vị đo truyền thống được Myanmar sử dụng là viss (1 viss = 1,5 kg).
 Tóc được cân theo đơn vị đo lường truyền thống.
Bận rộn cạnh một chiếc cân quả móc cũ kĩ, bà Aye Aye Thein ước lượng giá của bộ tóc qua cảm giác và một cái lướt kéo nhẹ qua bó tóc để kiểm tra độ chắc khỏe, độ mềm mượt. Sau đó, bà đặt tóc lên bàn cân với thăng bằng với các quả cân nhỏ trước khi trả tiền cho khách hàng.
Các thương vụ thường dao động 11 USD đến 150 USD cho bộ tóc dài trên 25 cm. Thu nhập này là dư dả cho cuộc sống ở Myanmar, nơi mà lương tối thiểu là 2,7 USD/ ngày. Những bộ tóc có giá cao nhất thường thuộc về phụ nữ nuôi tóc dài tới mắt cá chân bởi tóc của họ có thể được chia làm nhiều bó để bán riêng.
 Thương lái người Trung Quốc đến mua tóc ở chợ Insein.
Theo các thương nhân, Trung Quốc là nước nhập khẩu tóc lớn nhất đối với Myanmar. Một người Quảng Châu đến Myanmar buôn tóc cho biết “tôi sẽ bán những bộ tóc này cho thợ thiết kế tóc giả, tóc nối ở nước tôi”.
Công cuộc mưu sinh
Những người thu mua tóc ở chợ Insein nói rằng phụ nữ có nhiều lý do khác nhau khi bán tóc. Đối với nhiều người, đây là nguồn thu nhập cấp thiết, để tiết kiệm mua nhà, trả nợ hay đơn giản là để có vài đồng lẻ tiêu hàng ngày.
Phyu Phyu, một sinh viên 21 tuổi, cho biết cô muốn bán tóc “bởi vì trời quá nóng để nuôi tóc dài”. Cô kể rằng với 45 USD được trả cho những lọn tóc đen, dài, cô có thể mua sắm quần áo, tiết kiệm một phần và dùng số tiền còn lại làm từ nhiện cho những nhà sư trong thành phố.
Ở phía tây, tại Rakhine, một bang không chỉ nghèo thứ 2 Myanmar mà còn là nơi bạo lực trong xã hội hoành hành, nghề buôn tóc được xem như một hình thức thu nhập mà người dân có thể trông cậy vào.
 Một người phụ nữ cắt tóc tại Yangon. 
Khaing Yu Swe, sống tại thủ phủ Sittwe của bang, bước chân vào thị trường buôn bán tóc cách đây 17 năm. “Trước đó, tôi làm nghề dệt, nhưng giá vải quá đắt, còn lợi nhuận thì không đủ trang trải những nhu cầu căn bản của gia đình tôi”, Swe nói.
Nhà nhân học Emma Tarlo, tác giả cuốn “Gỡ rối: Vòng đời bí ẩn của tóc”, nhận định ngành thương mại này từ trước đến nay luôn dựa vào những người phụ nữ nghèo phải bán tóc kiếm sống và tiền quyên góp tôn giáo.
Hành động vô vị kỷ
Vào lễ Thingyan, lễ hội mừng năm mới Phật giáo thường được tổ chức vào tháng 4, nhiều phụ nữ quyết định cắt tóc và trở thành ni cô trong 10 ngày.
 
Theo ni cô Yuzana Nyani, hành động vô vị kỷ và sự cống hiến cho thiền định nhà Phật là hình thức tạo công đức, hướng tới Niết bàn.
“Cắt tóc nhắc nhở chúng ta ra rằng tóc thực ra không có cảm giác hay giá trị tinh thần nào. Khi nó rời khỏi cơ thể ta, nó không có giá trị gì”.
May Thet Chayay, 12 tuổi, lựa chọn trở thành ni cô trong 10 ngày để cho cha mẹ thấy cô là một Phật tử tốt.
“Chúng ta thực sự không cần tóc”, cô nói. “Cảm giác thật tốt. Tôi cảm thấy tự do. Bạn cũng nên thử đi”.
 May Thet Chayay, 12 tuổi, cạo đầu sau khi xuống tóc để làm ni cô trong 10 ngày lễ.
Khi cầu vượt xa cung
Thương nhân ở Yangon và Mandalay, nơi nghề phân loại tóc là một ngành kinh doanh lớn, tỏ ra lo lắng khi nhu cầu của khách hàng đang vượt xa nguồn cung.
“Trước đây, tôi chỉ cần đi thu thập tóc từ các phụ nữ trong thành phố, nhưng giờ tôi phải mua tóc từ Bangladesh và nhiều nước khác nữa”, Htay Win, nhà buôn tóc 7 năm trong nghề ở Mandalay cho biết.
Htay Win tự tin cho rằng thị trường sẽ tiếp tục bủng nổ, mặc dù ông lo ngại về tình trạng thiếu tóc chất lượng cao. “Càng ngày càng khó để mua được tóc dài hơn 1m, vì phụ nữ ngày nay thường để tóc ngắn”.
 Xưởng phân loại tóc tại Mandalay, Myanmar.
Ông cho biết thêm rằng công cuộc tìm tóc không qua hóa chất là thách thức lớn. “Phụ nữ giờ nhuộm tóc nhiều, nên giá trị của bộ tóc cũng bị ảnh hưởng”.
Htay Win cũng thu mua những nùi tóc nhỏ và sợi tóc vương ở lược. Những nùi tóc này không đáng giá bằng những bộ tóc cắt trực tiếp vì chúng cần phải được gỡ ra, chải, tẩy rửa, sấy khô, chăm sóc và chải lần nữa cho đến khi bóng mượt.
Chuyên gia Tarlo cho biết lái buôn Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia có nhiều trụ sở lớn trong ngành thương mại tóc, cũng bày tỏ mối lo về nguồn cung đang cạn kiệt dần. “Người dân đang ngày càng giàu có hơn, sành điệu hơn và quan tâm hơn đến ngoại hình”, bà nói.
Tuy vậy, tình trạng khan hiếm nguồn cung không phải bây giờ mới xuất hiện. “Nhìn vào lịch sử, bạn có thể thấy kể cả trong thế kỷ 19, những người thu thập tóc vẫn luôn phàn nàn rằng nguồn cung của họ đang cạn kiệt”, Tarlo chia sẻ.
Theo bà, ngành kinh doanh này chưa thể sớm sụp đổ.
Theo Ngọc Hà/zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN