Ngành ngân hàng: Tín dụng tăng trưởng mạnh, tài sản dần cải thiện

Trong báo cáo về Ngân hàng, Chứng khoán Vietcap (VCSC) nhận thấy tăng trưởng tín dụng tiếp tục tập trung vào phân khúc doanh nghiệp trong quý 4/2023, tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh hơn trong năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 được ghi nhận ở mức 13,7%, gần một nửa được giải ngân trong quý 4/2023. Vietcap cho rằng mức tăng trong quý 4/2023 là do (1) các hoạt động kinh tế tiếp tục cải thiện, được hỗ trợ bởi nền lãi suất thấp và các biện pháp tài chính từ Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu trong nước, (2) yếu tố mùa vụ và (3) nỗ lực của các ngân hàng trong việc đạt chỉ tiêu tín dụng mà NHNN giao cho để có thêm dư địa tăng trưởng vào năm 2024.
Trong quý 4/2023, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chuyển dịch sang mảng doanh nghiệp. Dữ liệu về các ngân hàng tư nhân theo dõi có cung cấp chi tiết theo quý (bao gồm VPB, HDB, MBB, TCB, VIB, TPB) cho thấy tăng trưởng tín dụng quý 4/2023 được thúc đẩy bởi (1) hoạt động kinh doanh BĐS (+14,2% QoQ) và (2) bán buôn & bán lẻ (+21,5% QoQ).
Ngoài ra, Vietcap nhận thấy cho vay hộ gia đình cải thiện nhẹ (+ 5,2% QoQ), một phần do lãi suất thấp cũng như nhu cầu tăng vào cuối năm. Các khoản cho vay thế chấp vẫn còn thấp. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm (-13,7% QoQ).
Nganh ngan hang: Tin dung tang truong manh, tai san dan cai thien
 
Tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, các ngân hàng mà Vietcap theo dõi đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức trung bình ngành, tiêu biểu như VPB (+29,2%), HDB (+34,2%), MBB (+28,0%) và TCB (+21,6 %). Tăng trưởng tín dụng cao tại các ngân hàng này một phần đến từ nhu cầu tín dụng cao của các công ty đầu tư BĐS.
Đối với các ngân hàng quốc doanh, BID và CTG có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn một chút so với mức toàn hệ thống, trong khi VCB báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng thấp hơn, nguyên nhân chủ yếu Vietcap cho là do VCB thận trọng hơn trong việc giải ngân tín dụng.
Vietcap duy trì dự báo triển vọng tích cực với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm 2024, nhờ môi trường lãi suất thấp hơn, kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi và các biện pháp của chính phủ nhằm kích thích nhu cầu và đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 có thể sẽ thấp do mùa thấp điểm sau Tết và tác động của tăng trưởng tín dụng mạnh vào cuối năm 2023. Các ngân hàng có thể sẽ tập trung vào cho vay doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài ra, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng cả năm cho tất cả các ngân hàng vào đầu năm, giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc quản lý tăng trưởng tín dụng.
Chất lượng tài sản cho thấy dấu hiệu cải thiện trong quý 4/2023 và Vietcap kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong suốt năm 2024. Chỉ số nợ xấu của chúng tôi (được tính bằng tỷ lệ nợ vay nhóm 2 (tỷ lệ SML) và tỷ lệ nợ xấu cộng thêm tỷ lệ nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng) đã giảm 40 điểm cơ bản QoQ trong quý 4/2023.
Tỷ lệ nợ xấu cộng dồn nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng ở mức tương tự như quý trước, trong khi tỷ lệ SML giảm 40 điểm cơ bản QoQ. Tỷ lệ SML giảm trong 2 quý liên tiếp, một lần nữa cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại. Tuy nhiên, Vietcap cho rằng quá trình giảm tỷ lệ nợ xấu sẽ chậm.
Trong các quý tới, Vietcap cho rằng các ngân hàng sẽ tăng cường xử lý nợ xấu bằng dự phòng để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024.
Các ngân hàng tư nhân bắt đầu trích lập bộ đệm dự phòng sớm hơn chúng tôi dự kiến. Số liệu về tổng chi phí dự phòng và chi phí tín dụng trong quý 4/2023 bị tác động nhiều bởi các ngân hàng quốc doanh.
Theo quan sát, chi phí dự phòng quý 4/2023 giảm so với quý trước tại các ngân hàng quốc doanh, trong khi tăng so với quý trước tại các ngân hàng tư nhân. Vietcap duy trì kỳ vọng về việc các ngân hàng tư nhân trong phạm vi theo dõi của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường trích lập cho bộ đệm dự phòng trong các quý tiếp theo.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN