Năm 2020, BIDV muốn tăng vốn thêm hơn 5.000 tỷ, kế hoạch lãi 12.500 tỷ đồng

Ngày 7/3 tới, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 bàn về loạt vấn đề quan trọng như kế hoạch lãi 12.500 tỷ đồng.

Lại bàn kế hoạch tăng vốn thêm hơn 5.000 tỷ sau khi đã có KEB Hana Bank

BIDV dự kiến phát hành gần 282 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm hơn 251 triệu cổ phiếu mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Trong đó, với phương thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, BIDV sẽ thực hiện quyền theo tỷ lệ 7%/số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3-4/2020, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với phương án chào bán thêm cổ phần, BIDV dự kiến tỷ lệ phát hành là 6.25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2020-2021, thời điểm cụ thể giao/ủy quyền cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với khoảng 5,329 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, BIDV cho biết sẽ dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh trong hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh.

Trước đó, vào tháng 11/2019, BIDV đã hoàn tất thương vụ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank với tổng giá trị gần 20.300 tỷ đồng, qua đó tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam. 

Nam 2020, BIDV muon tang von them hon 5.000 ty, ke hoach lai 12.500 ty dong
BIDV tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2020

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỷ đồng, nợ xấu thấp hơn 1,6%

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2020, BIDV đặt mục tiêu huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 9%. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (hiện BIDV được giao là 9%). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu là 12.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2019. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ tập trung hoàn thành đầy đủ và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. 

Cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư nhằm mục tiêu bảo toàn vốn và tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động đầu tư bao gồm tập trung cấu trúc lại các khoản đầu tư mà BIDV có tỷ lệ sở hữu lớn và/hoặc chi phối; triển khai thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả; tiếp tục thực hiện rà soát hoạt động đối với các Văn phòng đại diện nước ngoài.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN