Lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua

Tính đến cuối tháng 3, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 104,9 nghìn tỷ đồng TPCP, gấp 2,5 lần lượng phát hành trong quý 1/2022, hoàn thành 97,1% kế hoạch quý 1/2023 và 26,2% kế hoạch cả năm 2023.
Trong tháng 3, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành 35,4 nghìn tỷ đồng (- 3,1% MoM) trái phiếu chính phủ (TPCP). Thanh khoản hệ thống dồi dào thúc đẩy nhu cầu TPCP với khối lượng đặt thầu gấp 3,5 lần khối lượng gọi thầu.
Tính đến cuối tháng 3, KBNN đã phát hành 104,9 nghìn tỷ đồng TPCP, gấp 2,5 lần lượng phát hành trong quý 1/2022, hoàn thành 97,1% kế hoạch quý 1/2023 và 26,2% kế hoạch cả năm 2023.
Trong các phiên đấu thầu TPCP gần nhất của tháng 3, lợi suất trúng của kỳ hạn 10 năm và 15 năm (chiếm 75% tổng lượng phát hành trong tháng 3) đều giảm khoảng 70 điểm cơ bản so với tháng trước (MoM) xuống lần lượt 3,45% và 3,60% - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022 .
Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp cũng giảm 90 – 115 điểm cơ bản so với tháng trước, nhờ một số yếu tố như thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành vào ngày 14/03 và lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm.
Loi suat trai phieu giam xuong muc thap nhat trong nhieu thang qua
Lợi suất TPCP giảm xuống mức thấp nhất trong vài tháng qua.
Vào cuối tháng 3, lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm lần lượt giao dịch mức 2,95% (-93 điểm cơ bản MoM) và 3,24% (-114 điểm cơ bản MoM) - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.
Lợi suất TPCP tiếp tục giảm nhẹ vào đầu tháng 4 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm (đặc biệt là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ). Tuy nhiên, đà giảm lợi suất TPCP trong nước có thể suy yếu do thanh khoản hệ thống đã thu hẹp so với tháng 3.
Lãi suất liên ngân hàng giảm do thanh khoản dư thừa
Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao từ đầu tháng đến ngày 10/03 (với lãi suất kỳ hạn qua đêm (ON) ở mức khoảng 6,0%), trước khi giảm dần vào cuối tháng 3 (còn 1,0% vào ngày 31/03) do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào.
Trong tuần đầu tiên của tháng 4, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại mức 4,5% - 5,0%. VCSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng, đồng thời giải ngân đầu tư công cải thiện có thể tiếp tục giữ lãi suất liên ngân hang duy trì ở mức cao như hiện tại. Điều này thể yêu cầu NHNN hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua OMO.
Tỷ giá USD/VND giảm dù Fed tăng lãi suất và NHNN giảm lãi suất điều hành
Tỷ giá USD/VND giảm 1,4% trong tháng 3 (giảm 0,5% so với đầu năm) mặc dù Fed tăng lãi suất và NHNN giảm lãi suất điều hành. Tỷ giá giảm chủ yếu do đồng USD giảm mạnh trên thị trường quốc tế (chỉ số DXY giảm khoảng 2,5% trong tháng 3) và nguồn cung USD ổn định từ FDI (1,8 tỷ USD), xuất siêu (700 triệu USD) và FII (khối ngoại mua ròng 129 triệu USD).
Fed kỳ vọng lãi suất điều hành có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 25 điểm cơ bản lên 5,0%-5,25%. Tuy nhiên, những vấn đề gần đây của ngành ngân hàng tại Mỹ và lo ngại rằng áp lực đối với hệ thống ngân hàng lan rộng có thể khiến Fed giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng của thị trường.
Đồng USD mất giá và khả năng Fed giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng, cùng với nguồn cung ngoại tệ ổn định có thể giúp NHNN điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt hơn.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN