Lên sàn giữa lúc HoSE liên tục nghẽn lệnh, cổ phiếu SeABank có gặp vận đen như OCB?

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sắp đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE trong điều kiện hệ thống HoSE đang gặp sự cố hệ thống, bên cạnh đó là việc nhóm ngân hàng đang giao dịch khá tiêu cực.
Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB sẽ chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE ngày 24/3 với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp, tương ứng định giá hơn 20.000 tỷ đồng.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với thị giá các ngân hàng hiện nay khi hầu hết đã trên mức 20.000 đồng/cp. Ngoại trừ cổ phiếu Sacombank (STB) giá 19.000 đồng/cp, LienVietPostBank (LPB) với 15.950 đồng/cp và Eximbank (EIB) là 18.750 đồng/cp.
Cổ phiếu ngân hàng đã qua thời gian tăng nóng
Cổ phiếu SSB niêm yết lên HoSE giữa làn sóng hệ thống này đang gặp sự cố nghẽn lệnh, theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi HoSE, HNX, VSD về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX.
Hưởng ứng lời kêu gọi này thì Chứng khoán VNDirect đã xung phong chuyển sàn niêm yết tạm thời từ HoSE sang HNX, theo sau đó là 5 trong số 7 công ty thành viên của Tập đoàn PAN như Bibica (BBC), Giống Cây trồng Miền Nam (SSC), Khử trùng Việt Nam (VFG), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) và Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT).
Bên cạnh vấn đề nghẽn lệnh là việc VN-Index đang gặp khó trước ngưỡng giao dịch 1.200 điểm, xu hướng tăng giảm chưa rõ ràng, nếu gặp trường hợp thị trường xấu thì cổ phiếu niêm yết nằm sàn ngay trong phiên giao dịch đầu tiên.
Theo đó, ngày 28/1, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã đưa gần 1,1 tỷ cổ OCB vào giao dịch trên sàn HoSE.
Trong bối cảnh VN-Index giảm gần 71 điểm vào phiên sáng 28/1, nhà đầu tư bán tháo thì diễn biến giao dịch cổ phiếu OCB cũng không ngoại lệ. Kết thúc phiên sáng, cổ phiếu này giao dịch ở mức 18.400 đồng/cp, giảm 19,7% so với giá tham chiếu, tính sơ vốn hoá OCB đã mất gần 5.000 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh hơn 6,2 triệu cổ phiếu.
Len san giua luc HoSE lien tuc nghen lenh, co phieu SeABank co gap van den nhu OCB?
Cổ phiếu SSB của Seabank có gặp vận đen?
Bên cạnh đó, cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) giảm hết biên độ trong ngày đầu chào sàn. Ngày 15/10/2020, Saigonbank chính thức đưa 308 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với giá chào sàn 25.800 đồng/cp.
Kết phiên, cổ phiếu SGB về mức giá 15.600 đồng/cp, giảm 10.200 đồng/cp so với giá chào sàn (-39,5%).
Việc Saigonbank lần đầu chào sàn UPCoM với mức giá chào sàn 25.800 đồng/cp được giới đầu tư chứng khoán cho là… "phi thực tế". Nói phi thực tế bởi dù có quy mô nhỏ, lợi nhuận lẹt đẹt nhưng giá cổ phiếu này được chào sàn cao hơn cả cổ phiếu của một số ngân hàng hiện tại.
Hơn nữa, trên OTC, giá cổ phiếu SGB cũng chỉ giao dịch ở vùng giá 10.000-11.000 đồng/cp. Như vậy dễ hiểu tại sao cổ phiếu SGB bị đè nằm sàn ngay phiên giao dịch đầu tiên.
Ngoài ra, trong phiên giao dịch đầu tuần 22/3, hầu hết cổ phiếu nhóm ngân hàng đã có diễn biến khá tiêu cực sau thời gian dài tăng giá mạnh. Cổ phiếu PGB, MSB, SHB, VBB, SGB, STB... đang giảm khá sâu trên 1%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đang trong sắc đỏ. Hiếm hoi trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có VCB ngược dòng tăng 1,8%.
Việc giảm giá của cổ phiếu ngân hàng chủ yếu do áp lực chốt lãi sau chuỗi ngày tăng nóng. Sự điều chỉnh để kiến tạo nền móng vững chắc cho mặt bằng giá mới là điều cần thiết sau bất kỳ chuỗi tăng nào. Nếu thiết lập thành công mặt bằng giá mới với cân đối cung cầu đủ tốt, dòng cổ phiếu ngân hàng có thể vẫn là điểm tựa tốt của thị trường.
Seabank đang làm ăn ra sao?
Về tình hình kinh doanh, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của Covid-19, song SeABank vẫn ghi nhận 1.360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ, tăng gần 24% so năm 2019.
Kế hoạch năm 2021, SeABank dự kiến thu nhập lãi và lợi nhuận hợp nhất năm 2021 tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng của Ngân hàng mẹ do hoạt động của công ty con dự kiến tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất kế hoạch 2021 thấp hơn lợi nhuận ngân hàng mẹ do cần bù đắp khoản phân bổ lợi thế thương mại hợp nhất hàng năm của công ty con.
Kể từ thời điểm thành lập cho đến nay, SeABank đã có 21 lần tăng vốn điều lệ và hiện lên mức 12.087,4 tỷ đồng vào tháng 10/2020.
SeABank có tổng tài sản 180.207 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Về bất động sản, hiện SeABank sở hữu 5.535 m2 đất khu đô thị mới - Ngã 5 sân bay Cát Bi.
Kết thúc năm 2020, SeABank nằm trong nhóm có chất lượng nợ vay cải thiện đáng kể so với đầu năm khi tổng nợ xấu cuối năm đã giảm 11%, chỉ còn gần 2.021 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 27%, nợ nghi ngờ giảm 50%. Dẫn đến, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm mạnh từ mức 2,31% xuống còn 1,86%.
SeABank chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất là Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ khi nắm hơn 79 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,56% vốn, tương ứng 79 triệu cổ phiếu với đại diện là Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thị Nga.
Ngân hàng này gắn với tên tuổi của Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thị Nga (rời khỏi chức Chủ tịch SeABank năm 2018) và con gái Lê Thu Thuỷ giữ chức Tổng giám đốc hiện nay.
Mặc dù bà Nga không nắm giữ cổ phiếu SeABank nhưng người thân lại sở hữu tổng cộng 9,88% vốn, trong đó chồng Lê Hữu Báu nắm 4,16%, con trai Lê Tuấn Anh 2,82% và con gái Lê Thu Thuỷ (hiện là Tổng giám đốc SeABank) sở hữu 2,89%.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN