HDBank muốn mua lại một công ty chứng khoán, HDBS trong tầm ngắm?

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HBank, HDB) công bố tờ trình xin cổ đông thông qua việc mua lại một công ty chứng khoán. 
HDBank nhận định tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất cao do tỷ lệ thâm nhập thấp so với các nước trong khu vực và có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.
Do đó, việc đầu tư vào một công ty chứng khoán có thể giúp HDBank mở rộng và khai thác danh mục khách hàng hiện tại hiệu quả hơn thông qua việc cung cấp các dịch vụ như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính và tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ngoài ra, HDBank có thể tăng cơ hội bán chéo các sản phẩm và dịch vụ cũng như cung cấp các dịch vụ thu hộ và chi hộ, từ đó củng cố thu nhập phí ròng (NFI) của ngân hàng.
HDBank muon mua lai mot cong ty chung khoan, HDBS trong tam ngam?
 
HDBank cũng đưa ra điều kiện cơ bản của công ty chứng khoán được mua lại là được cấp phép để thực hiện tối thiểu các nghiệp vụ: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Đồng thời vốn điều lệ trên 1 nghìn tỷ đồng theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Ngoài ra còn phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của HDBank tại thời điểm góp vốn, mua cổ phần.
Theo quan sát của VCSC, CTCP Chứng khoán HDB (HDBS) dường như là một ứng cử viên tiềm năng cho thương vụ M&A này vì đáp ứng tất cả các yêu cầu trên và là một đơn vị trong hệ sinh thái của tập đoàn Sovico.
Năm 2022, HDBS có vốn điều lệ 1.023 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 175 tỷ đồng. Trong vài năm gần đây, một số ngân hàng đã mua lại các công ty chứng khoán để mở rộng hệ sinh thái và khai thác tệp khách hàng do triển vọng dài hạn tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.
VCSC cho rằng HDBS có thể chưa đóng góp đáng kể cho HDBank trong ngắn hạn do quy mô của HDBS tương đối nhỏ và biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động tiêu cực đến công ty chứng khoán.
Về HDBank, theo kế hoạch 2023, tổng tài sản dự kiến tăng 25% lên 520.024 tỷ đồng; huy động vốn tăng 25% lên 459.398 tỷ đồng; dư nợ tăng 24% lên 333.553 (phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao). HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao, dự kiến vượt 13.197 tỷ đồng, tức tăng 29% so với năm 2022. Tỷ lệ ROE dự kiến đạt 24,5% và ROA đạt 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tiếp tục được ngân hàng kiểm soát thấp dưới 1,5%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2%.
Đáng chú ý, HDBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25%, từ đó tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN