FDI khó có thể phục hồi mạnh vào năm 2021?

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định đại dịch COVID-19 khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam chững lại, do vậy khó có thể hồi phục mạnh.

Mặc dù là nước được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chịu áp lực trong năm nay do hệ quả từ đại dịch COVID-19. Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư 21,2 tỷ USD vào Việt Nam, giảm 19,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân 13,8 tỷ USD, giảm 3,2% so với năm trước. Số liệu này trái ngược với mức tăng 6,7% đối với vốn thực hiện FDI và 7,2% đối với vốn đăng ký FDI trong năm 2019.

FDI kho co the phuc hoi manh vao nam 2021?
 

Đáng chú ý, vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ trong khi vốn mua lại cổ phần giảm đáng kể 44,9% yoy trong 9T 2020. Mức giảm ít trong vốn đăng ký mới chủ yếu nhờ 4,0 tỷ USD đầu tư vào dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) 3.200 MW tại tỉnh Bạc Liêu.

Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chỉ đạt 9,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 45,3% so với cùng kỳ. Không tính giao dịch của Thaibev vào tháng 2 năm 2019, dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất giảm với tốc độ chậm hơn 30,5% so với cùng kỳ.

Trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, các nước ASEAN chiếm tỷ trọng lớn về dòng vốn FDI trong 9T 2020, ghi nhận mức tăng đáng kể về vốn đăng ký (khoảng 8,4 tỷ USD, tăng 104,8% so với cùng kỳ). Singapore dẫn đầu với 6,8 tỷ USD, bao gồm dự án LNG đề cập bên trên.

Trong khi dòng vốn FDI từ các quốc gia lớn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) suy giảm, Việt Nam vẫn là cơ hội hấp dẫn đối với các công ty Đài Loan với vốn đăng ký lên đến 1,3 tỷ USD (tăng 33,5% so với cùng kỳ). Trong năm 2019, dòng vốn từ Đài Loan tăng mạnh 71,5% so với cùng kỳ lên 1,8 tỷ USD.

FDI kho co the phuc hoi manh vao nam 2021?-Hinh-2
 

Từ năm ngoái, các công ty công nghệ tìm kiếm cơ hội dịch chuyển sản xuất do căng thẳng thương mại bằng cách bổ sung năng lực sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2019, các công ty sản xuất điện tử (LG, Sharp, TCL) đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Vào năm 2020, một số nhà cung cấp chính của Apple đang xem xét xây dựng thêm các nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự chuyển dịch sản xuất dường như diễn ra ở các giai đoạn lắp ráp hơn là các giai đoạn đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao.

Có thể thấy rằng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tại châu Á được các công ty công nghệ toàn cầu chú ý đến khi xem xét tái phân bổ sản xuất. Theo S&P Global, nguyên tắc làm nền tảng cho việc chuyển dịch sản xuất không chỉ là chiến lược giảm chi phí mà còn được thúc đẩy bởi mong muốn tiếp cận thị trường mới hoặc nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Gần đây, Thái Lan và Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách FDI để đón nhận làn sóng đầu tư mới. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp công nghệ cao của Apple.

Như vậy, Việt Nam có vẻ chậm chân so với các quốc gia khác trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Vào tháng 7 năm 2020, Foxconn công bố đầu tư 1,0 tỷ USD vào Ấn Độ để mở rộng nhà máy lắp ráp điện thoại I-phone.

Do Việt Nam đã thể hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19, đây có thể là một điểm cộng lớn thu hút các nhà đầu tư quốc tế khi các hoạt động đối ngoại trở lại bình thường.

VDSC nghĩ rằng năng lực quản lý rủi ro trong việc kiểm soát đại dịch có thể giúp thúc đẩy dòng vốn FDI. Tuy nhiên, VDSC cho rằng sẽ không có sự chuyển dịch hàng loạt năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong tương lai gần. Do đó, FDI khó có thể phục hồi mạnh vào năm 2021.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN