'Đừng quan ngại nhà đầu tư nước ngoài, có những quỹ thoát hàng thậm chí lỗ'

Đừng quan ngại vấn đề nhà đầu tư nước ngoài. Không phải quỹ nào cũng thành công tại Việt Nam, có những quỹ thoát hàng, thậm chí lỗ như HSBC thoái khỏi Techcombank, DC rút khỏi Hải Phát Land hay các quỹ ngoại đầu tư vào ROS từ lúc hàng trăm nghìn, nay chỉ còn vài nghìn.
Tại buổi toạ đàm 'Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững', nhiều diễn giả đã đưa ra lý do vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong một năm qua, song vốn ngoại lại rút ròng, đặc biệt từ đầu năm 2021?
Vì sao vốn ngoại rút ròng?
Theo đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán MBS cho biết, năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 100 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi.
Đại dịch COVID-19 khiến dòng vốn thay đổi, xảy ra xu hướng bán ròng lớn nhất trong 10 năm qua tại Việt Nam. Xu hướng này tiếp tục vào đầu năm 2021, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng nhanh.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng khiến tỷ giá ở các thị trường mới nổi mất giá nhanh, giá USD tăng cao trở lại. Rủi ro tỷ giá, khiến tỷ giá USD ở một số nước chạy từ 5-7%, khiến nhà đầu tư ngoại nhanh chóng rút vốn ra để bảo toàn vốn.
Ở Hàn Quốc, USD tăng giá gần 4% nên quỹ đầu tư lớn của Hàn Quốc đã rút tới hơn 60 triệu USD khỏi thị trường Việt Nam. Lợi suất trái phiếu tăng do kỳ vọng lạm phát, giá hàng hoá cơ bản tăng. Đức đưa ra số liệu lạm phát cao nhất trong nhiều 5 năm trở lại đây. Yếu tố này tác động tới tỷ giá khiến nhà đầu tư bán ròng.
Một lý do nữa là dòng tiền đang quyết định. Chính phủ các nước tung các gói hỗ trợ chưa từng có, Mỹ đã bơm 300 tỷ USD ra nền kinh tế, khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh.
Còn Việt Nam lãi suất thấp nhất trong chu kỳ 10 năm nhưng chính sách tài khoá hỗ trợ chưa thấy rõ.
Bên cạnh đó có thể thấy rằng một quốc gia lớn là Trung Quốc cũng đang hạ đòn bẩy, cung tiền của Trung Quốc đang suy giảm nhanh, dẫn tới vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương và Trung ương, khi hơn 10 tỷ USD đã vỡ nợ – không quá lớn nhưng cũng thể hiện một xu hướng. Chỉ số trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh khiến xu hướng dòng vốn ngoại tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Những rủi ro cho thị trường chứng khoán sắp tới là PE của thị trường đang ở đỉnh thời gian qua, P/E thị trường 18, 19 lần là mức định giá rất cao. P/E thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang 30-35 lần, P/E thị trường Mỹ đang cao nhất lịch sử. Nếu cung tiền chững lại nhà đầu tư sẽ quay sang bán. Đó là lý do tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam lên tới 1.200 điểm rồi lại xuống.
Để hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới, yếu tố níu chân chính là chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp. Các công ty được định giá đánh giá cao hơn sẽ đẩy thị trường qua mốc kháng cự khi lợi nhuận, chất lượng doanh nghiệp cải thiện tốt.
Ngoài ra, hàng hoá ở thị trường Việt Nam hiện còn ít, những công ty niêm yết trong rổ VN30 đều là những công ty gọi mặt chỉ tên ai cũng biết. Trong 3-5 năm nay chưa có công ty nào đủ lớn để cho nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng, chưa có lớp cổ phiếu lớn kế cận có lượng tiền lớn để nhà đầu tư tham gia được. Để hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế cần thanh khoản lớn để mua bán dễ dàng.
'Dung quan ngai nha dau tu nuoc ngoai, co nhung quy thoat hang tham chi lo'
 
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, dòng tiền đang dịch chuyển sang những thị trường có sức bật cao hơn, có xếp hạng cao hơn, nhất là khi những nước này đang chủ động đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19. Và khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục thì các nước phát triển sẽ hồi phục, tăng trưởng tốt và sớm hơn, do đó dòng tiền dịch chuyển sang những khu vực này.
Về chiều mua, sau khi tham khảo các nhà đầu tư tổ chức, ông thấy rằng, họ quan tâm đến nhiều vấn đề trong đó là xếp hạng tín nhiệm Việt Nam, bên cạnh đó họ cũng nhìn vào BCTC, và khảo sát doanh nghiệp, nhưng do dịch bệnh nên công tác này còn hạn chế.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm một tỷ lệ lớn giá trị thanh khoản hàng ngày. Rủi ro là dòng tiền vào ra rất nhanh. Đã từng có phiên VN-Index giảm tới 7%. Tham khảo thị trường Đài Loan, trong lịch sử, thị trường Đài Loan có thời kỳ mà nhà đầu tư nhỏ lẻ và chiếm thanh khoản lớn trên thị trường. Hướng giải quyết đó là đẩy mạnh sản phẩm ETF – hạn chế NĐT nhỏ lẻ, tăng NĐT tổ chức.
Bên cạnh đó, Đài Loan thành lập công ty chỉ số trực thuộc SGDCK. Ngoài ra, công ty này liên kết các chỉ số chứng khoán khác, tạo ra các quỹ ETF chỉ số, thu hút NĐT trong nước và nước ngoài. Do đó đây cũng là cách có thể giúp chúng ta giảm tỷ lệ NĐT cá nhân.
Một vấn đề khác, NĐT cá nhân thường không ở lại thị trường lâu mà sẽ tìm đến cơ hội và rút ra, do đó, trong tương lai, có thể thanh khoản TTCK giảm khi NĐT nhỏ lẻ quá lớn. Do đó cần có sản phẩm để giữ tiền lại thị trường và ETF có thể là một sản phẩm giảm được tính biến động thị trường hiện nay, đồng thời thu hút dòng tiền mới vào thị trường.
Đừng quan ngại nhà đầu tư nước ngoài
TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đánh giá, danh mục của các quỹ ngoại có tối thiểu từ 10 – 20 mã cổ phiếu. Thời điểm họ đầu tư cách đây từ nửa năm đến 1 năm, lúc chỉ số khoảng 600 – 700 điểm và hiện tại TTCK Việt Nam gần 1.200 điểm, PE 18 lần, việc họ rút ra để cơ cấu danh mục, đảo danh mục là chuyện dễ hiểu khi tỷ suất sinh lời đã quá lớn.
Trước đây NĐTNN sở hữu khoảng 21% - 22% vốn các mã niêm yết. Dữ liệu gần đây cho thấy, họ đã rút ra còn 18%, tức chỉ rút khoảng 3%, không phải là quá nhiều. Và cần lưu ý, họ bán ra cổ phiếu, nhưng không rút hoàn toàn tiền mặt mà đang chờ cơ hội mới. Cũng có thể hiểu, NĐTNN đang tiên lượng TTCK Việt Nam khó đạt vùng 1.400 điểm.
Dẫu vậy, ông cho rằng chúng ta đừng quan ngại vấn đề NĐTNN, họ cũng chỉ là một tiêu chí. Nên nhớ, không phải quỹ nào cũng thành công tại Việt Nam, có những quỹ thoát hàng, thậm chí lỗ, như HSBC thoái khỏi Techcombank, DC rút khỏi Hải Phát Land hay các quỹ ngoại đầu tư vào ROS từ lúc hàng trăm nghìn, nay chỉ còn vài nghìn.
Ngoài ra, thanh khoản của chứng khoán Việt Nam đang rất tốt, khoảng 13.000 – 14.000 tỷ/phiên. Ông Sơn cho rằng, các nhóm cổ phiếu mới khi gia nhập thị trường sẽ là cơ hội cho đợt tăng mới của TTCK.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch UBCKNN chia sẻ, lượng tiền mặt của nhà đầu tư ngoại trên tài khoản hiện khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 là 1,2 tỷ USD.
Theo dõi các số liệu hiện nay có thể thấy, trên thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài rút ra cổ phiếu nhưng lại vào trái phiếu. Nên đâu đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút ra 6.000 tỷ là không quá lớn. Trong khi đó, khối ngoại vẫn giữ tiền trên tài khoản, cho thấy họ vẫn ngắm nghía, chờ đợi cơ hội.
Quan điểm của nhà đầu tư ngoại vẫn là thận trọng. Vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là tỷ giá. Họ theo dõi sát, khi lãi suất đảo chiều sẽ tác động lớn tới thị trường.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN