Dòng tiền ‘đứng ngoài’ sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán sau Tết

Dòng tiền “đứng ngoài” thời gian qua sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán với các luồng tin tức của mùa đại hội cổ đồng năm 2024.

Dong tien ‘dung ngoai’ se quay tro lai thi truong chung khoan sau Tet

Thị trường sẽ sôi động hơn sau tết với thông tin về ĐHCĐ 2024. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thị trường chứng khoán diễn biến khả quan trong tháng đầu năm khi VN-Index chốt phiên 31/1 tăng hơn 3% lên 1.164,3 điểm so với cuối năm trước. Thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện khi giá trị giao dịch bình quân đạt 16.531 tỷ đồng mỗi ngày, tăng 3,6% so với tháng 12. Nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng trên HoSE với 1.304 tỷ đồng.

Động lực đến nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán), ngành hàng tiêu dùng và ngành dịch vụ tiện ích. Bên cạnh đó, việc Quốc Hội đã chính thức thông qua luật đất đai sửa đổi và luật các tổ chức tín dụng sửa đổi trong kỳ họp Quốc Hội bất thường vào ngày 18/1 là điểm nhấn đáng chú ý. Các điểm nghẽn và cơ chế vận hành còn nhiều lỗ hỗng được nhận định sẽ được khắc phục bằng những quy định mới rõ ràng, tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững của lĩnh vực bất động sản, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không kỳ vọng thị trường sẽ có biến động mạnh trong tháng 2 do bước vào giai đoạn trống thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 cùng hiệu ứng kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Vùng dao động kỳ vọng của VN-Index trong tháng 2 là 1.160-1.200.

Tuy nhiên, luồng thông tin về mùa ĐHCĐ và các kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2024 nhiều khả năng sẽ giúp thị trường sôi động hơn trong nửa cuối tháng 2.

Ở chiều ngược lại, rủi ro giảm sâu của thị trường hạn chế nhờ định giá các ngành vốn hóa lớn tương đối rẻ, xu hướng bàn ròng của khối ngoại tạm thời chấm dứt và lượng tiền gửi nhà đầu tư đang chờ tham gia thị trường.

VDSC đánh giá quy mô dư nợ cho vay ký quý tại cuối năm 2023 tương đối lành mạnh xét trên tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu và tốc độ tăng nhẹ so với quý trước. Theo đó, dư nợ margin toàn thị trường tại thời điểm cuối quý IV/2023 ước đạt 169.000 tỷ đồng, tăng 8% so với quý III/2023 và tăng 50% từ đầu năm 2023. Hoạt động cho vay margin có diễn biến tăng cục bộ ở các công ty chứng khoán (CTCK) như TCBS, VPBS, MBS, VCI với tổng mức tăng là hơn 10.000 tỷ đồng. Loại trừ nhóm này, dư nợ margin của các CTCK còn lại tăng khoảng 2,3% so với quý trước. Tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn chủ sở hữu toàn thị trường khá lành mạnh, đạt khoảng 74% so với mức đỉnh của giai đoạn các năm COVID (xấp xỉ 110%).

Đồng thời, xu hướng gia tăng đầu tư tại kênh chứng khoán tiếp tục được củng cố khi lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại CTCK tăng 6% so với quý trước và tăng 30% từ đầu năm lên 82.000 tỷ đồng, vượt trội đáng kể so với tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng (13,2%).

Trái ngược, diễn biến thanh khoản của ba sàn đã giảm 25% so với quý trước trong quý IV/2023. Điều này nói lên rằng mặc dù các nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trong giai đoạn cuối năm 2023, nhưng đa phần tiếp tục lựa chọn “ở lại thị trường” nhất là khi lãi suất tiết kiệm vẫn đang duy trì ở vùng đáy và niềm tin đầu tư tại các kênh đầu tư lớn khác chưa thể sớm phục hồi.

VDSC tin rằng dòng tiền lựa chọn tạm thời “đứng ngoài” thời gian qua sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Đặc biệt là khi có sự vận động tích cực hơn của dòng tiền lớn, vốn mang tính định hướng thị trường cao thông qua tác động lên nhóm cổ phiếu bluechips, trong thời gian tới với các luồng tin tức của mùa ĐHCĐ năm 2024. Khi đó, đợt sụt giảm mạnh bất ngờ với những cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn trên thị trường có thể cũng kích hoạt trở lại lượng tiền đang chờ đợi này.

Kết quả kinh doanh quý IV/2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 7% so với cuối quý III/2023. Dấu hiệu này cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục từ giữa năm 2023. Kỳ vọng hiệu quả từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng cường giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ được minh chứng rõ ràng hơn trong năm 2024. Với PE toàn thị trường ước tính ở mức 13,6, thấp hơn so với mức tiệm cận 14 cuối năm, thị trường dự kiến ít chịu áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu đầu ngành với tiềm năng phục hồi cao.

Ngoài ra, cho quý đầu năm, câu chuyện giá một số loại nông sản tiếp tục hạ nhiệt là chủ đề đáng quan tâm. VDSC kỳ vọng xu hướng giảm tiếp diễn của giá sữa bột hay đậu nành có thể giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Mỹ Hà/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN