Động thái gì khiến khối ngoại bán ròng hơn 21.000 tỷ đồng năm 2023?

Thay vì quan tâm nhà đầu tư nước ngoài làm gì, thì hãy chăm chú nghiên cứu vào các công ty mà bạn đầu tư, hiểu thêm về hoạt động kinh doanh của họ. Từ đó đưa ra quyết định đúng đắn.
Nhà đầu tư nước ngoài đang là điểm trừ trong bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 khi liên tục “xả hàng” không thương tiếc. Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng gần 21.000 tỷ đồng từ đầu năm 2023 đến hiện tại.
Đà bán ròng của khối ngoại ròng rã suốt 8,5 tháng (từ tháng 4 đến nay), trong đó áp lực mạnh nhất là nửa đầu tháng 12 vừa qua.
Trong nửa đầu tháng 12, mã bị bán ròng mạnh nhất là VHM với giá trị gần 1.150 tỷ đồng, kế đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (766 tỷ đồng), HPG (622 tỷ đồng), STB và VNM trên 500 tỷ đồng; VCB, MSN và VPB hơn 300 tỷ đồng...
Còn tính từ đầu năm đến nay, mã bị bán ròng mạnh nhất là EIB với giá trị hơn 5.000 tỷ đồng, tiếp sau là MWG và VPB hơn 3.000 tỷ đồng; STB, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VNZ, VHM, MSN hơn 2.000 tỷ đồng...
Năm 2022, khối ngoại bán ròng trong nửa đầu năm nhưng quay lại mua ròng mạnh trong nửa cuối năm khi VN-Index giảm sâu về dưới mốc 900 điểm. Nhờ đó, tổng giá trị mua ròng năm ngoái đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng tới hơn 60.000 tỷ đồng, năm 2020 rút ròng hơn 18.000 tỷ đồng.
Đà bán miệt mài của nhà đầu tư ngoại khiến thị trường mất đi lực đỡ quan trọng. Ngay cả trong những nhịp điều chỉnh mạnh, sức mua của nhà đầu tư ngoại tương đối yếu ớt và nhanh chóng quay trở lại bán ròng ngay khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.
Điều này càng gia tăng áp lực cho chỉ số VN-Index. Chỉ số chính vì thế luôn tỏ ra hụt hơi trước những ngưỡng cản mạnh, hiện vẫn loanh quanh vùng 1.120 điểm.
Dong thai gi khien khoi ngoai ban rong hon 21.000 ty dong nam 2023?
 Khối ngoại bán ròng mạnh trong năm 2023.
Chuyên gia lạc quan về đà bán ròng của khối ngoại
Lý giải về động thái bán ròng của khối ngoại trong chương trình Gõ cửa tháng mới của Chứng khoán SSI mới đây, ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết, một phần lực bán ròng thời gian này đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, liên quan đến chính sách thuế sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024.
Theo ông Tốt, Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam. Do đó, khối ngoại sẽ bán ra trước khi bắt đầu năm mới, sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại.
Dữ dội hơn thị trường Việt Nam, chứng khoán Thái Lan được mua ròng gần 6 tỷ USD trong năm 2022 trước khi bị chốt lời gần như toàn bộ kể từ đầu năm 2023 tới nay. Đà bán ròng diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này giảm 20% kể từ đầu năm nay, trong khi VN-Index tăng khoảng 10%. Ông Tốt cho rằng, đây cũng là lý do khiến dòng vốn từ Thái Lan rút một phần khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam và quay về nước.
Phân tích thêm về diễn biến dòng vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Văn Tốt cho rằng xu hướng chung trong năm nay là rút tiền khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam và quay trở lại các thị trường phát triển như Mỹ trong bối cảnh nền lãi suất bên Mỹ đang neo cao.
Bình luận về xu hướng bán ròng của khối ngoại, ông Vicente Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD) cho rằng nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không chỉ đầu tư dài hạn mà họ đầu cơ lướt sóng nên việc mua bán là hết sức bình thường, không có gì lạ.
Sau nhiều năm, nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn đóng vai trò cốt lõi nữa. Trước kia họ đóng tầm 30-40% giao dịch (10 năm trước), đến giờ chỉ còn loanh quanh 10-15% là nhiều nhất vậy rõ ràng nhóm chi phối thị trường là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước chứ không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài nên không cần quan tâm quá đến giao dịch của nhóm này.
“Tây cũng có tây đầu cơ tây đầu tư, đủ cả. Lúc VN-Index rơi xuống loanh quanh 1.000 thì khối ngoại mua ròng rồi, giờ thị trường cũng hồi được gần 10%, chốt lãi chẳng có gì lạ. Chỉ lạ ở chỗ là nhà đầu tư trong nước cứ mãi bán quanh 1.000 rồi mua lại ở 1.100; 1.200. Cái đó mới đáng lo”, ông Vicente Nguyen nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam, kể từ khi thị trường Việt Nam mở cửa hơn ngày càng nhiều quỹ ETF bước vào Việt Nam. Những quỹ này rất linh hoạt, rút ra đẩy vào hàng ngày do tính chất linh hoạt và cơ động. Nên họ phải bán khi nhà đầu tư yêu cầu rút vốn hay lại mua vào khi nhà đầu tư bơm vốn. Nên chẳng có lý do gì để suy nghĩ, hành động bán là yếu tố tiêu cực.
"Thay vì quan tâm nhà đầu tư nước ngoài làm gì, thì hãy chăm chú nghiên cứu vào các công ty mà bạn đầu tư, hiểu thêm về hoạt động kinh doanh của họ. Từ đó đưa ra quyết định đúng đắn. Tuyệt đối không hành động theo cảm xúc đặc biệt là sự xúi giục của một số môi giới kém trình độ và kinh nghiệm. Cháy tài khoản chỉ là chuyện trước sau", ông Vicente Nguyen khuyến cáo.
Dong thai gi khien khoi ngoai ban rong hon 21.000 ty dong nam 2023?-Hinh-2
Ông Vicente Nguyen - Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam
Đánh giá về động thái bán mạnh của khối ngoại, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường xuất hiện tin đồn các nhóm quỹ ngoại lớn bán dẫn đến áp lực xả hàng mạnh, song chủ yếu vẫn là do xu hướng cơ cấu danh mục của các nhóm quỹ.
Chuyên gia cho rằng động thái mặc dù có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn, nhưng sẽ không tác động nhiều đến thị trường chung, vì giá trị giao dịch của khối ngoại trên toàn thị trường chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Đơn cử như giai đoạn năm 2020-2021 khối ngoại liên tục bán ròng nhưng thị trường vẫn đi lên mạnh mẽ.
Đồng quan điểm, trong báo cáo mới cập nhật, SGI Capital đánh giá động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tạo áp lực lên chỉ số khi giá trị bán ròng chủ yếu tại các cổ phiếu vốn hoá lớn. Tuy nhiên, áp lực bán chỉ tập trung cục bộ, chủ yếu là hoạt động cơ cấu danh mục do những nhìn nhận về rủi ro ở từng cổ phiếu hơn là rủi ro chung của toàn thị trường.
Trong khi đó, những chỉ báo như Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), lợi suất trái phiếu của Chính phủ Việt Nam hiện đều ổn định và tích cực, không thể hiện những rủi ro mang tính hệ thống của Việt Nam. Do đó, điều này mở ra cơ hội đầu tư tốt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá sâu dưới áp lực bán ròng của khối ngoại.
Thêm nữa, tác động của lãi suất trong nước giảm mạnh đang là bệ đỡ vững vàng kích hoạt dòng tiền của nhà đầu tư nội mua vào khi khối ngoại bán ròng. Dù vậy, tỷ lệ vay margin ở nhiều CTCK vẫn liên tục giảm trong các tuần gần đây.
SGI Capital tự tin với dữ liệu quá khứ, trong giai đoạn 2020-2021 khi lãi suất giảm mạnh tương tự như hiện nay, khối ngoại cũng liên tục bán ròng nhưng sự tham gia tích cực từ dòng tiền nội đã đưa VN-Index lên những đỉnh cao mới.
Mặc dù nước ngoài bán ròng mạnh gần đây, nhưng VN-Index vẫn giữ được xu hướng tích lũy rất tốt. Chuyên gia nhận định sau khi nước ngoài ngừng bán ròng, quay trở lại mua ròng thì thị trường Việt Nam sẽ bắt đầu uptrend lớn bởi các lý do sau:
(1) FED bắt đầu hạ lãi suất từ quý 2/2024, từ đó dòng vốn ngoại sẽ bắt đầu tham gia đầu tư trở lại khi thời kỳ kích thích kinh tế bằng việc hạ lãi suất trở lại trên toàn thế giới.
(2) Lãi suất Việt Nam sẽ duy trì ở mặt bằng thấp khi chính phủ quyết tâm mục tiêu phục hồi kinh tế trong năm 2024 ngày càng mạnh.
(3) Ngoài ra, với chính sách kích thích kinh tế từ thị trường Mỹ, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh từ nửa cuối năm 2024. Từ đó, đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm 2024. Đây cũng là cơ hội lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại thời kì uptrend.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN