Doanh thu tháng 7 giảm 11%, MWG mục tiêu Bách hóa Xanh hòa vốn năm nay

Trong ngắn hạn, Bách hóa Xanh sẽ chỉ tập trung vào việc tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu để đạt mục tiêu hòa vốn trong năm nay và sau đó đóng góp lợi nhuận cả năm vào lợi nhuận của MWG vào năm 2024. 
Chứng khoán VietCap (VCSC) vừa có những chia sẻ thông tin xung quanh cuộc họp nhà đầu tư trực tuyến của Thế giới Di động (HoSE: MWG) vào ngày 11/8.
Ban lãnh đạo MWG vẫn thận trọng về triển vọng kinh doanh trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 - 2024. Chủ tịch HĐQT MWG cho rằng còn khá lạc quan để kỳ vọng vào khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2024 có thể quay về mức trước COVID và việc hoàn thành kế hoạch lãi ròng đạt 4,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 sẽ khá thách thức. Chiến lược của MWG trong thời gian tới là tập trung tăng doanh thu và giành thị phần để tối ưu hóa lợi nhuận tuyệt đối thay vì biên lợi nhuận.
Doanh thu thuần sơ bộ tháng 7/2023 của MWG đạt xấp xỉ 9,8 nghìn tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Doanh thu của Thế Giới Di Động & Điện Máy Xanh (TGDĐ & ĐMX) đạt 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so tháng trước, trong khi doanh thu của Bách Hóa Xanh (BHX) tăng 9% so tháng trước lên khoảng 2,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm doanh thu/cửa hàng đạt 1,6 tỷ đồng (tăng 10% so tháng trước).
Doanh thu thang 7 giam 11%, MWG muc tieu Bach hoa Xanh hoa von nam nay
 
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TGDĐ & ĐMX thực hiện chiến lược giá thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Do đó, tính đến cuối quý 2/2023, thị phần giá trị của 2 chuỗi kinh doanh này đã tăng 5 điểm phần trăm so với cuối quý 1/2023, theo ban lãnh đạo. iPhone tăng thị phần nhiều nhất, tăng lên hơn 45% vào cuối quý 2/2023 so với 25%-30% trong quý 1/2023. Với mức thị phần lớn này dành cho iPhone, ban lãnh đạo không có kế hoạch mở rộng TopZone trong thời điểm hiện tại.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ duy trì chiến lược giá thấp, đồng thời sẽ có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng với tâm lý thị trường. Ban lãnh đạo cũng hướng tới mục tiêu đạt được biên lợi nhuận gộp cao hơn bằng cách tăng các thỏa thuận độc quyền với các thương hiệu ICT.
Còn với Bách hoá XanhSSSG lần lượt đạt 16% và 21% so cùng kỳ trong quý 1 và quý 2/2023 với biên lợi nhuận gộp ổn định ở mức 26%. Trong quý 2/2023, sản lượng bán và giá trị của thực phẩm tươi sống tăng 35%-40% so quý trước, chiếm khoảng 38% doanh thu của BHX.
Ngoài ra, sản lượng bán và giá trị của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý 2/2023 đã tăng 5% so quý trước. Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng là lượng khách đến cửa hàng tăng, nhưng giá trị đơn hàng trung bình vẫn đi ngang từ đầu năm đến nay. Ban lãnh đạo cho rằng sự phục hồi của tiêu dùng trong tương lai sẽ thúc đẩy tăng trưởng về giá trị đơn hàng.
Doanh thu/cửa hàng hàng tháng của các cửa hàng tại TP.HCM hiện đạt 1,7 tỷ đồng-1,8 tỷ đồng, trong khi ở các tỉnh/thành phố khác đạt 1,4-1,5 tỷ đồng. Trong số 1.706 cửa hàng của BHX, có khoảng 500 cửa hàng tại TP.HCM và 1.000 cửa hàng tại các tỉnh/thành phố miền Nam khác, còn lại là ở miền Trung.
Chi phí logistic/doanh thu đã giảm xuống khoảng 5% trong quý 2/2023 từ 6% trong quý 1/2023, nhưng ban lãnh đạo tin rằng logistic chưa được tối ưu hóa hoàn toàn. BHX sẽ sớm thay đổi mô hình và cách thức của chuỗi cung ứng; tuy nhiên, việc cải thiện doanh thu/cửa hàng sẽ vẫn được ưu tiên trong thời điểm hiện tại.
Ban lãnh đạo tin rằng sự cải thiện của BHX tính đến nay là bền vững và xuất phát từ năng lực của chính công ty hơn là môi trường kinh tế vĩ mô, điều này khiến công ty có nhiều kỳ vọng hơn về việc BHX sẽ hòa vốn ở mức lợi nhuận vào cuối năm 2023.
Ban lãnh đạo tin tưởng rằng doanh thu/cửa hàng của BHX vào tháng 12/2023 sẽ tăng ít nhất 10% so với mức của tháng 7, tức là doanh thu/cửa hàng dự kiến đạt khoảng 1,8 tỷ đồng vào tháng 12/2023. Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu/cửa hàng tối ưu của BHX là 2 tỷ đồng, tương ứng với chi phí logistic/doanh thu là 3,5-4%.
Trong ngắn hạn, BHX sẽ chỉ tập trung vào việc tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu để đạt mục tiêu hòa vốn trong năm nay và sau đó đóng góp lợi nhuận cả năm vào lợi nhuận của MWG vào năm 2024. BHX chưa cân nhắc đến việc mở rộng ra toàn quốc.
Nhà thuốc An Khang: MWG chưa có kế hoạch mở rộng trong năm nay. Trong nửa đầu năm 2023, An Khang tập trung nâng cao năng lực dược sĩ và nguồn cung ứng thuốc – nhờ đó nâng tỷ lệ thuốc trong cơ cấu sản phẩm từ mức 50% trước đây lên 60%. Mục tiêu của chuỗi là tiến tới điểm hòa vốn vào cuối năm 2023.
AVAKids & EraBlue: Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu của AVAKids và EraBlue lần lượt đạt 350 tỷ đồng và 150 tỷ đồng. Ban lãnh đạo không có kế hoạch mở rộng AVAKids nhưng đặt mục tiêu mở thêm 25 cửa hàng EraBlue trong nửa cuối năm 2023.
Theo quan điểm của VCSC, về mảng kinh doanh ICT, VCSC cho rằng ban lãnh đạo sẽ triển khai chiến lược giá thấp nhưng với mức độ nhẹ hơn trong nửa cuối năm 2023. Quan điểm của ban lãnh đạo trong năm 2024 tương đối phù hợp với kỳ vọng VCSC, điều này được phản ánh trong dự báo của VCSC rằng doanh thu ICT của MWG trong 2024 sẽ cao hơn 3% so với năm 2019 nhưng biên lợi nhuận ròng sẽ giảm 100 điểm cơ bản.
Mặt khác, sự cải thiện của BHX vượt kỳ vọng của VCSC, điều này dẫn đến khả năng tăng đối với dự báo của VCSC, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Tuy nhiên, đối với An Khang, VCSC cho rằng mục tiêu hòa vốn trong năm nay là khá thách thức khi biên lợi nhuận ròng của công ty âm 12% trong quý 2 và nửa đầu năm 2023.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN