DPM sắp chi gần 1.200 tỷ trả cổ tức 30% cho cổ đông

DPM sẽ trả phần còn lại của cổ tức tiền mặt năm 2022 là 3.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/8, tương ứng khoảng 1.174 tỷ đồng.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HoSE: DPM) vừa có thông báo sẽ trả phần còn lại của cổ tức tiền mặt năm 2022 là 3.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/8. 
Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 23/8. Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến DPM sẽ chi khoảng 1.174 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Trước đó, DPM đã trả cổ tức đợt 1 tỷ lệ 4.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, tương ứng tổng cổ tức tiền mặt năm 2022 mà DPM chi trả cho cổ đông là 7.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu DPM dừng ở mức 39.900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 20% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân gần 3 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. 
DPM sap chi gan 1.200 ty tra co tuc 30% cho co dong-Hinh-3
 
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong quý 2/2023, nợ vay của DPM tiếp tục giảm từ mức 1.004 tỷ đồng xuống còn 641 tỷ đồng. Tỷ lệ đòn bẩy D/E khoảng 5%, ở mức thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong khi đó, tỷ lệ tiền mặt cao chiếm 52% tổng tài sản, đạt gần 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, BVSC đánh giá khả năng thanh toán của DPM ở mức tốt với chỉ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 6 lần và chỉ số chi trả lãi vay ở mức khoảng 11,9 lần. Cả 2 chỉ số này đều có xu hướng cải thiện qua các năm
BVSC cho rằng điều này sẽ giúp DPM chi trả cổ tức tiền mặt cao và ổn định 3.000–4.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2023–2028.
BVSC nhận định rằng DPM là cơ hội đầu tư nhận cổ tức hấp dẫn (với lợi suất cổ tức dao động từ 8%- 12%) trong giai đoạn 2023-2028 trong bối cảnh giá ure có xu hướng giảm và đi ngang, thay vì là cổ phiếu được giao dịch dựa theo diễn biến giá ure.
Về hoạt động kinh doanh, vừa qua ngày 9/8, Nhà máy Đạm Phú Mỹ vừa được nhận Chứng nhận Vận hành xuất sắc do hãng Haldor Topsoe A/S (Đan Mạch) - nhà cung cấp bản quyền công nghệ sản xuất Ammoniac (NH3) trao tặng. Đây là lần thứ 3 Nhà máy Đạm Phú Mỹ được nhận chứng nhận này.
Theo báo cáo từ hệ thống theo dõi thiết bị tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Xưởng sản xuất NH3 của Nhà máy đã hoạt động ổn định liên tục trong 678 ngày đêm không ngừng nghỉ và kỷ lục này chỉ dừng lại vào ngày 28/3/2023 khi toàn bộ Nhà máy chủ động dừng máy bước vào đợt bảo dưỡng tổng thể. Thành tích này đã phá sâu kỷ lục 279 ngày đạt được vào năm 2016.
Xưởng Amoniac là một trong những phân xưởng quan trọng nhất, được coi như trái tim của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, đi vào hoạt động năm 2004 với công suất thiết kế ban đầu 450.000 tấn/năm và được nâng lên 540.000 tấn/năm vào năm 2018. Xưởng NH3 cung cấp nguyên liệu cho hai Nhà máy Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ, đồng thời đáp ứng một phần lớn nhu cầu NH3 trong nước.
Thời gian qua giá ure thế giới tăng nhanh hơn giá ure nội địa, chính vì vậy các doanh nghiệp sản xuất phân bón bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng 7. Cụ thể, DPM đã tích cực xuất khẩu ure trong tháng 7 và hoàn thành 60% kế hoạch sản lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm.
Ban lãnh đạo DPM rằng biên lãi gộp có thể cải thiện trong 2 quý cuối năm nhờ giá bán phục hồi và công ty có thể nhận mức tỷ trọng khí giá rẻ ở mỏ Sư Tử Trắng và Rồng Đồi Mồi cao hơn trong nửa cuối năm 2023.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN