Cổ phiếu hàng không vì sao 'lau sàn' sau Tết Nguyên Đán?

Kết phiên giao dịch 7/2, cổ phiếu HVN hay cổ phiếu VJC đã có dấu hiệu khởi sắc khi tăng trở lại, các cổ phiếu khác trong ngành cũng dần hồi phục.
 

Trong báo cáo gần đây, SSI Research cho biết tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus corona, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc (điểm đến tại Trung Quốc và du khách từ nước này).

Đi cùng với các hãng vận tải, ngành dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa và hành khách cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, hành khách từ Trung Quốc chiếm đến 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019.

SSI Research cho rằng con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu tiêu dùng từ Trung Quốc thấp hơn và các hoạt động sản xuất tại nước này bị hạn chế.

Theo đó, SSI Resreach đưa ra quan điểm kém tích cực về ngành hàng không trong năm 2020 chủ yếu do những lo ngại về tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Với những diễn biến trên thị trường có thể thấy, ngành hàng không đang gánh chịu tác động tiêu cực nhất khi liên tiếp giảm sàn trong 2 phiên đầu của năm mới Canh Tý.

Tuy nhiên, kết phiên giao dịch 7/2, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hay cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) đã có dấu hiệu khởi sắc khi tăng trở lại, các cổ phiếu khác trong ngành cũng dần hồi phục.

Co phieu hang khong vi sao 'lau san' sau Tet Nguyen Dan?
Cổ phiếu ngành hàng không chìm trong sắc đỏ sau Tết Nguyên Đán 

Bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể kể đến cổ phiếu HVN, tính đến kết phiên 7/2, cổ phiếu này giảm đến 4.800 đồng/cp, tương ứng giảm gần 15% thị giá. Với hơn 1,4 triệu cổ phiếu đang niêm yết, Vietnam Airlines đã mất đi hơn 6.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn đón nhận tin không mấy vui vì lãi trong quý 4/2019 thu về khá tệ kinh doanh khá tệ khiến cho lãi ròng trong cả năm giảm 0,4% còn 2.325 tỷ đồng.

Năm 2019, Vietnam Airlines đã có lần điều chỉnh giảm sốc kế hoạch đã được thông qua trước đó. Mục đích điều chỉnh là để "phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu hiệu quả và năng suất lao động; đảm bảo lợi ích của cổ đông và người lao động".

Cụ thể, doanh thu hợp nhất điều chỉnh giảm hơn 7.100 tỷ đồng về còn 104.593 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 6,4%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất thì không đổi vẫn giữ là 3.362 tỷ đồng.

So với kế hoạch đã được điều chỉnh giảm, Vietnam Airlines đã không hoàn thành kế hoạch khi chỉ thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Với cổ phiếu VJC của Vietjet Air - hãng bay tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, thị giá cổ phiếu này giảm đến 15.300 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 10% tính từ phiên 30/1 đến hết phiên 7/2.

Tương tự như Vietnam Airlines, Vietjet cũng có tình hình làm ăn sa sút trong quý 4/2019 khi báo lãi ròng giảm đến 65%, chỉ ghi nhận hơn 537 tỷ đồng. Còn trong cả năm 2019, doanh thu thuần của Công ty ghi nhận gần 52.060 tỷ đồng, giảm 3%, lãi ròng giảm đến 21% về mức 4.219 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu khác cùng rớt giá thảm hại như ACV (giảm 13%), VTR (giảm 13%), SAS (giảm 12%), AST (giảm 11%), SCS (giảm 9%), MAS (giảm 9%), NCT (giảm 2%), SGN (giảm 1%),…

Co phieu hang khong vi sao 'lau san' sau Tet Nguyen Dan?-Hinh-2
 Cổ phiếu hàng không dần khởi sắc.

Hàng không có thể đối diện với rủi ro về nhiên liệu, căng thẳng địa chính trị,…

Theo SSI Research, ước tính tổng quy mô đội tàu nội địa của Việt Nam sẽ đạt 196 máy bay vào cuối năm 2019. Hai yếu tố sẽ gia tăng “sức ép” cho ngành hàng không, đó là việc có thêm công ty mới gia nhập thị trường và tăng trưởng về quy mô đội tàu của những công ty hiện tại.

Cụ thể, Kite Air và Viettravel Airlines đều có kế hoạch bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên từ giữa đến cuối năm 2020, mặc dù cả hai công ty đều đang chờ phê duyệt cuối cùng về Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC).

Do đó, ước tính cạnh tranh sẽ tăng thêm vào năm 2020, dẫn đến giảm sản lượng hành khách và hệ số tải cho mỗi máy bay. Mặt khác, SSI Research ước tính giá nhiên liệu trung bình năm 2020 sẽ giảm 3% dựa trên giả định giá dầu thô Brent là 62 USD/thùng. Giá nhiên liệu đi xuống sẽ giảm áp lực chi phí cho các hãng hàng không.

Về mặt tích cực, có thể thấy rằng tăng trưởng sản lượng hành khách ước tính vẫn đạt khoảng 13% trong năm 2020, cũng như chi phí nhiên liệu giảm và đồng VND giảm giá ở mức thấp có thể hỗ trợ lợi nhuận ròng của các công ty.

Dù vậy, ngành hàng không có thể đối mặt với các rủi ro khi kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí nhiên liệu, lợi nhuận ròng có thể biến động mạnh trong trường hợp chi phí nhiên liệu dao động lớn, chẳng hạn như do các yếu tố tác động bên ngoài từ Trung Đông, hoặc căng thẳng địa chính trị khác có thể phát sinh vào năm 2020.

Bên cạnh đó, việc hạn chế công suất tại các sân bay chính như Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng cho tất cả hãng hàng không cho đến khi các dự án mở rộng mới hoàn thành (dự án gần nhất là T3 Tân Sơn Nhất, vào năm 2022-2023).

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN