Chứng khoán ngày 4/5: Cổ phiếu nào nên chú ý sau kỳ nghỉ Lễ?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 4/5.

Khuyến nghị mua GDT với giá mục tiêu 58.800 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) đã chi 3 triệu USD để mua lại CT TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Gỗ Đức Tâm, một nhà sản xuất gỗ nội thất tại tỉnh Đồng Nai (gần TP.HCM).

Nhà máy của công ty này đang hoạt động với hiệu suất hoạt động là 80% và đem về 5 triệu USD doanh thu hàng năm cũng như biên lợi nhuận ròng khoảng 10%, theo GDT.

Để đạt được mức hiệu suất hoạt động tối đa, GDT sẽ phải sắp xếp lại các khu vực sản xuất và thuê thêm nhân viên. Nhà máy này sẽ bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận của GDT vào quý 3/2022.

VCSC chưa bao gồm diễn biến này trong dự báo cho GDT. Do đó, VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận hiện tại của chúng tôi cho công ty, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho GDT với giá mục tiêu 58.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 23,9%, bao gồm lợi suất cổ tức là 8,6%.

Chung khoan ngay 4/5: Co phieu nao nen chu y sau ky nghi Le?
 CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 4/5?

Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 118.900 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): FPT có một phiên tăng điểm tốt tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu chưa vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Đường MACD hiện vẫn đang ở dưới đường tín hiệu tuy nhiên chỉ RSI đang cho thấy xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA50 và MA100 tuy nhiên vẫn đang ở dưới đường MA20.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 105.5, chốt lãi tại ngưỡng 118.9 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 100.0.

Khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu 48.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Ngày 28/04, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương (VPB) thông báo đã nhận được khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 600 triệu USD, thời hạn 3 năm. Khoản vay được đồng thu xếp và bảo lãnh phát hành toàn bộ bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Maybank Securities Pte (Maybank).

Các bên cho vay bao gồm SMBC, Maybank, Cathay United Bank, CTBC Bank và State Bank of India. Khoản vay mới tương đương 3% tài sản sinh lãi của VPB tính đến cuối quý 1/2022.

Cuối năm 2021, VPB đã nhận được khoản vay hợp vốn thời hạn 2 năm trị giá 200 triệu USD với SMBC là một trong những đối tác. Các đối tác khác là CTBC Bank, Hua Nan Commercial Bank, State Bank of India, First Commercial Bank.

Ngoài ra, vào giữa tháng 10/2021, VPB cũng đã nhận được khoản vay hợp vốn từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và SMBC trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp có phụ nữ làm lãnh đạo.

Tính đến nay, VPB đã nhận được khoảng 900 triệu USD khoản vốn tài trợ từ nước ngoài với sự tham gia của SMBC, điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên. Điều này phù hợp với kỳ vọng của VCSC rằng việc có các khoản vay nước ngoài lớn sẽ thay thế giấy tờ có giá có chi phí huy động cao để tối ưu hóa chi phí vốn (COF) của VPB và tăng trưởng cho vay trong 3 năm tới.

VCSC hiện đang có khuyến nghị MUA đối với VPB với giá mục tiêu 48.000 đồng/cổ phiếu.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN