Chứng khoán ngày 29/3: Cổ phiếu nào nên chú ý?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 29/3.

Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 120.000 đồng/cp

CTCK Agriseco (AGR): Doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2 tháng năm 2022, CTCP Tập đoàn FPT (FPT) lần lượt đạt 6.102 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1.102 tỷ đồng (tăng 30%). Mảng công nghệ ghi nhận kết quả ấn tượng đặc biệt từ thị trường nước ngoài với doanh thu tại Mỹ và APAC tăng 50% và 75%.

Kỳ vọng về đà tăng trưởng trên 20% trong quý I/2022 tại tất cả các mảng kinh doanh: Với hệ sinh thái từ nhân công - viễn thông - công nghệ đang dần hoàn chỉnh sẽ giúp FPT có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc thay đổi ban lãnh đạo trong hội đồng quản trị cùng với việc ký kết các hợp đồng chuyển đối số trong và ngoài nước cũng cho thấy định hướng phát triển thành công ty công nghệ toàn cầu FPT.

Cổ phiếu FPT đã có nhịp bật tăng tốt từ vùng MA dài hạn, kết hợp với mây Ichimoku khá mỏng và các chỉ báo động lượng RSI, MoM hay chỉ báo dòng tiền MFI cũng đều đang giao dịch đồng thuận ở ngưỡng tích cực, sẽ là điều kiện thuận lợi để FPT duy trì đà tăng giá.

Kháng cự/Hỗ trợ: 110.000/92.500 (đ/cp). Xu hướng ngắn hạn: Tăng giá. Giá mục tiêu là 120.000 đồng/CP.

Chung khoan ngay 29/3: Co phieu nao nen chu y?
 CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 28/3?

Khuyến nghị mua DPM với giá mục tiêu 75.000 đồng/cp

CTCK Agriseco (AGR): Lợi nhuận trước thuế 2 tháng đầu năm Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM) ước đạt 1.422 tỷ đồng, tăng 12 lần so với cùng kỳ.

DPM đạt kết quả ấn tượng kể trên nhờ trúng thầu đơn hàng xuất khẩu lớn trong tháng 1 với mặt bằng giá phân bón vẫn ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng sau những bất ổn địa chính trị và việc nhà cung cấp lớn trên thế giới là Nga cấm xuất khẩu phân bón.

Giá phân bón trong năm 2022 vẫn có khả năng duy trì ở mức cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và một số nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu phân bón. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để mở rộng thị phần và hướng tới xuất khẩu cho DPM. Theo TCHQ, xuất khẩu phân bón của nước ta trong 2 tháng năm 2022 đã tăng mạnh 286%.

Phân tích kỹ thuật: DPM xuất hiện xu hướng tăng giá mạnh kể từ tháng 2 tới nay và vượt đỉnh lịch sử vào đầu tháng 3 vừa qua.

Hiện tại, sau một vài phiên điều chỉnh, cổ phiếu vẫn duy trì xu hướng tăng ngắn hạn với thanh khoản lớn, là một tín hiệu khá tích cực. Kháng cự/Hỗ trợ: 68.000/55.000 (đ/cp). Xu hướng ngắn hạn: Tăng giá. Giá mục tiêu dành cho DPM là 75.000 đồng/CP.

Khuyến nghị MSN với giá mục tiêu 187.700 đồng/cp

CTCK Bảo Việt (BVSC): Kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) được dự báo sẽ khả quan khi doanh thu thuần có thể đạt 93 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 5,5 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 5,1% và 75,1% so với năm 2021, tương ứng với EPS 4.691 đồng/cp và P/E dự phóng 29,0x.

Cụ thể, Masan Consumer Holdings sẽ duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các sản phẩm mới, cao cấp hoá và sự hồi phục của mảng nước uống sau COVID-19.

WinCommerce cũng sẽ tăng trưởng doanh thu 2 chữ số nhờ cải thiện doanh thu bình quân cửa hàng, đóng góp cả năm của 388 cửa hàng được mở trong 2021 và các kế hoạch mở rộng mới trong 2022. Nỗ lực tối ưu hoá chi phí hoạt động và biên thương mại dự báo sẽ giúp biên EBITDA tăng thêm 240 điểm %, đánh dấu năm đầu tư có EBIT dương.

Cuối cùng, Masan High-Tech Materials tiếp tục hưởng lợi giá đầu ra tăng do khó khăn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài và các sự kiện địa chính trị. BVSC cho rằng lợi nhuận có thể tăng từ 3 đến 5 lần trong kịch bản tốt nhất.

Bên cạnh các mảng kinh doanh chính, việc thay đổi sở hữu gần đây của The Sherpa tại Phúc Long sẽ khiến công ty này được chuyển từ công ty liên kết sang công ty con, qua đó phát sinh khoản lãi đánh giá lại khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng (56 triệu USD) trong quý 1/2022 theo ước tính của BVSC.

Với những kỳ vọng trên, BVSC khuyến nghị MSN có thể đạt mức giá mục tiêu 187.700 đồng/cp.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN