Chứng khoán ngày 2/6: Nên đầu tư cổ phiếu nào?

Các công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị gì cho cổ phiếu KBC, MBB và DGC trong ngày 2/6?
KBC (Triển vọng Khả quan): Đẩy mạnh bàn giao đất khu công nghiệp
Chứng khoán SSI: Trong năm 2023, KBC duy trì kế hoạch (đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng 12/2022) với 9 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 9,4 lần svck) và 4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng (+151% svck).
Kế hoạch lạc quan này dựa trên kỳ vọng bàn giao (i) 250 ha đất khu công nghiệp (phần lớn ở KCN Quảng Châu & Nam Sơn Hạp Lĩnh) và (ii) 10 ha đất ở (chủ yếu ở KĐT Phúc Ninh) trong năm. Mặc dù công ty khá tự tin trong việc ký kết hợp đồng cho thuê đất, chúng tôi lưu ý rằng vẫn có thể có rủi ro chậm giao đất do quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, và như vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với mảng kinh doanh KCN của KBC vì hầu hết các dự án đang và sắp triển khai của KBC đều tọa lạc tại các trung tâm khu công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên), là những khu vực đang được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ những rủi ro như nhu cầu toàn cầu suy yếu, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chi phí lao động cao hơn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu cơ sở hạ tầng có thể đặt ra những thách thức cho KBC nói riêng cũng như cho ngành nói chung.
Tại mức giá 28.050 đồng/cổ phiếu, KBC đang giao dịch với P/E 2023 là 8,4x và P/B là 1,2x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu KBC (như đã đề cập trong báo cáo trước (link)) nhưng nâng giá mục tiêu lên 33.000 đồng/cổ phiếu (từ 28.000 đồng/cổ phiếu) chủ yếu nhờ tăng giả định giá cho thuê và diện tích cho thuê tại các khu công nghiệp chính và áp dụng tỷ lệ chiết khấu thấp hơn, do chúng tôi cho rằng lãi suất đã qua đỉnh sớm hơn dự kiến.
Chung khoan ngay 2/6: Nen dau tu co phieu nao?
 
MBB (Khuyến nghị Khả quan): Cơ hội nhiều hơn rủi ro
Chứng khoán VNDirect: Thu nhập lãi thuần trong Q1/23 tăng 22% svck, nhờ tăng trưởng tín dụng 13% svck và NIM tăng 10 điểm cơ bản. Thu nhập ngoài lãi giảm 48% svck do (1) thu nhập từ phí dịch vụ giảm 38% do hoạt động môi giới chứng khoán/bảo hiểm kém tích cực, (2) thu nhập từ mua bán chứng khoán giảm 85% và (3) thu nhập từ HĐKD ngoại hối giảm 21%. Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và giảm lần lượt 13% và 1% svck. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động tăng 3% svck và LN ròng tăng 11% svck, vượt dự báo của chúng tôi. 
Lợi suất tài sản của MBB tăng 190 điểm cơ bản svck trong khi chi phí vốn tăng 210 điểm cơ bản svck trong Q1/23. NIM tăng thêm 10 điểm cơ bản svck lên 5,7% (-10 điểm cơ bản sv quý trước), tiếp tục ở top đầu ngành và vượt xa kỳ vọng của chúng tôi. Tỷ lệ CASA của MBB, mặc dù giảm trong quý như hầu hết các ngân hàng khác, nhưng vẫn đầu ngành ở mức 35,5% (-5,1đ% sv quý trước) và góp phần duy trì NIM. MBB đạt mức tăng trưởng tín dụng 3,8%% sv đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn hệ thống là 2,1%. Tăng trưởng tiền gửi ổn định ở mức 2,0% sv đầu năm với tiền gửi cá nhân tăng 10,5% và tiền gửi doanh nghiệp giảm 8,4%. 
Tỷ lệ nợ xấu tăng 75 điểm cơ bản svck và 65 điểm cơ bản sv quý trước lên 1,8% vào cuối Q1/23. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng mạnh 230 điểm cơ bản svck và 180 điểm cơ bản sv quý trước lên 3,5%. Khả năng cao chất lượng tài sản suy giảm chủ yếu ở mảng bất động sản (BĐS), bao gồm cả cho vay các DN phát triển BĐS và cho vay mua nhà. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB đã giảm từ 238% cuối 2022 xuống còn 138% cuối Q1/23 do nợ xấu tăng đột biến. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu/ nợ nhóm 2 gia tăng là đáng quan ngại, chúng tôi tin rằng MBB vẫn sẽ có thể kiểm soát tốt nợ xấu/dự phòng trong năm nay khi xét đến khả năng hưởng lợi từ Thông tư 02/23 và những diễn biến tích cực gần đây trong lĩnh vực BĐS và năng lượng tái tạo (NLTT), hai ngành MBB có mức dư nợ tín dụng đáng kể. 
Với kết quả Q1/23 tốt hơn kỳ vọng, chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng chi phí dự phòng và nâng dự báo LN ròng giai đoạn 2023-24 tăng nhẹ 2,2%/3,0% lên 19,6/22,9 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi đã cập nhật cổ tức tiền mặt 500đ/cp (lợi suất 2,7%) vào định giá. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng phần lớn những yếu tố bất lợi và rủi ro xung quanh chất lượng tài sản của MBB đã được phản ánh vào giá cp vì MBB hiện chỉ đang giao dịch ở mức 0,9 lần P/B 2023, thấp hơn nhiều so với TB 3 năm là 1,5 lần. Với mức định giá này, chúng tôi tiếp tục nhận thấy MBB vẫn hết sức hấp dẫn nhờ các động lực tăng trưởng dài hạn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi là 29.300đ/cp. Rủi ro giảm giá bao gồm nợ xấu cao hơn và tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với dự kiến.
DGC (Khuyến nghị Mua): Nâng cao vị thế
Chứng khoán Mirae Asset: Năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 14.444 tỷ và 5.565 tỷ đồng, lần lượt tăng 51,2% và 133% cùng kỳ: 1) Đây là năm kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận với đóng góp mạnh mẽ nhất từ Phốt pho vàng với mức tăng trưởng doanh thu 112%, cùng giá bán cũng khả quan; 2) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 33,3% lên mức 46,7%; 3) doanh thu Axit trích ly - WPA (50%) đạt 1.774 tỷ đồng, tăng 62%YoY.
Quý 1/2023, doanh thu thuần và lãi ròng cổ đông công ty mẹ dừng ở 2.483 tỷ và 787 tỷ đồng, giảm 33% và 44% YoY: 1) doanh thu mảng phốt pho và WPA giảm 41% và 20%YoY; 2) biên lợi nhuận gộp giảm từ 47% xuống 35,9% do sức mua trong và ngoài nước đều suy yếu.
DGC là doanh nghiệp có hoạt động chính là xuất khẩu nên ảnh hưởng suy thoái kinh tế khiến hoạt động kinh doanh 2023 sẽ gặp khó khăn. Khả năng quý 2 sẽ là quý thấp điểm nhất trong năm của DGC, trước khi bước vào giai đoạn phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Hoạt động thâu tóm CTCP Phốt pho 6, cũng như Ắc Quy Tia Sáng (TSB) sẽ để đẩy mạnh hoạt động hoạt động sản xuất phốt pho, cũng như pin lithium – một bộ phận quan trọng để phát triển mảng xe điện. Đóng góp mới từ 2 công ty này dự kiến sẽ thể hiện trong năm 2023. Việc phát triển những mảng hoạt động mới sẽ củng cố nội lực, cũng như nâng tầm vị thế DGC trong chuỗi phát triển sản phẩm hóa chất.
Năm 2023, dự báo doanh thu và lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 11.487 tỷ và 3.602 tỷ đồng giảm 20,5% và 35,3% cùng kỳ: 1) doanh thu mảng phốt pho vàng giảm 39,8%YoY, trong khi doanh thu mảng Axit trích ly - WPA (50%) và phân (MAP & DAP) lần lượt giảm 29,5% và 36,7%; 2) đóng góp mới mảng ắc quy dự kiến đạt 210 tỷ đồng doanh thu; 3) biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,7% xuống còn 38,0%.
Chúng tôi đánh giá TÍCH CỰC dành cho DGC: 1) vị thế ngày càng được củng cố ở mảng hóa chất, khả năng chủ động nguồn nguyên liệu, cũng như phát triển những sản phẩm mới thuộc chuỗi giá trị ngành; 2) tiềm lực tài chính mạnh mẽ; 3) khả năng phục hồi kinh doanh từ nửa cuối năm 2023 trở đi.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN